Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm rõ nhiều nội dung liên quan việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và những vấn đề về chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả của đầu tư công.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, bằng việc ban hành và thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật khác có liên quan thì quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp đã được mở rộng, mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh được nâng cao; đã loại bỏ và giảm đáng kể các rào cản kinh doanh, rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp. Mức độ thuận lợi cho hoạt động kinh doanh được cải thiện rõ rệt và mục tiêu của Chính phủ là phấn đấu đến cuối năm 2016, môi trường đầu tư kinh doanh sẽ đạt mức trung bình của ASEAN 6 và đến năm 2020, trong nền kinh tế sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp hoạt động một cách có hiệu quả.
Nhấn mạnh việc tiếp tục phát huy và duy trì các kết quả nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ngay từ những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ đã tập trung, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và coi cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp là động lực chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thay đổi quan điểm quản lý Nhà nước từ quản lý chuyển sang phục vụ và chuyển từ khâu tiền kiểm sang khâu hậu kiểm là một động thái lớn mà chắc chắn trong thời gian tới, sẽ có cải thiện đáng kể trong môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam.
Nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các giải pháp để giảm các chi phí cho doanh nghiệp, trong đó, xem xét để giảm lãi suất cho vay; rà soát, kiểm soát và giảm ít nhất 20% phí giao thông đường bộ, thực hiện cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và các doanh nghiệp xuất khẩu. Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự; yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hằng tháng tổ chức đối thoại trực tiếp, thực chất với doanh nghiệp, giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo thông lệ quốc tế, cải cách các điều kiện kinh doanh đã loại bỏ được hàng trăm điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không rõ ràng hoặc không còn phù hợp, góp phần giảm các rào cản xâm nhập thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, đầu tư công cũng có những hạn chế, tồn tại nhất định, trong đó nổi lên là việc chấp hành các quy định của pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm, chưa chấp hành tốt các quy định về bố trí vốn. Ngoài ra, chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt; đầu tư còn dàn trải, thất thoát; kiểm soát quy mô đầu tư, định mức, đơn giá còn lỏng lẻo và chưa chặt chẽ, dẫn đến tổng mức đầu tư cao hơn so với thực tế.
Bên cạnh đó, còn tồn tại những vấn đề như chất lượng công tác quy hoạch, quản lý đầu tư còn bất cập, một số dự án đầu tư hiệu quả chưa cao; một số dự án chậm tiến độ, một số dự án hoàn thành nhưng không đạt được hiệu quả đề ra; chưa khắc phục được tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản; một số địa phương để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản, nhất là trong việc thực hiện chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới; tình trạng dựa dẫm vào nguồn vốn Trung ương chưa được khắc phục triệt để...
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức, triển khai, thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý đầu tư công; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật...
Nguyễn Hoàng
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ