Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin được giải đáp như sau:
Để xác định người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, cho thôi việc doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 được hưởng trợ cấp mất việc làm hay trợ cấp thôi việc thì cần xác định được căn cứ để công ty thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, cho người lao động thôi việc là gì? Cụ thể như sau:
- Thứ nhất, căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động 2012 và Điểm a Khoản 2 Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ nếu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc. Nhưng phải báo cho người lao động biết trước:
- Ít nhất 45 ngày nếu là HĐLĐ không xác định thời hạn;
- Ít nhất 30 ngày nếu là HĐLĐ xác định thời hạn;
- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu là HĐLĐ theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Do đó, nếu NLĐ bị doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định trên thì được trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 BLLĐ 2012.
- Thứ hai, trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, nếu NLĐ bị doanh nghiệp cho thôi việc vì một trong các lý do sau đây thì được trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 BLLĐ 2012:
+ Phải thay đổi cơ cấu, công nghệ không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho NLĐ thôi việc theo Khoản 1 Điều 44 BLLĐ 2012 và Khoản 1 Điều 13 Nghị định 05.
+ Vì lý do kinh tế không thể giải quyết được việc làm mà phải cho NLĐ thôi việc theo Khoản 2 Điều 44 BLLĐ 2012 và Khoản 2 Điều 13 Nghị định 05.
+ Sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp nhưng không sử dụng hết số lao động hiện có mà phải cho NLĐ thôi việc theo Điều 45, Điều BLLĐ 2012 và Điều 15 Nghị định 05.
Lưu ý: Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho NLĐ là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho doanh nghiệp trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được doanh nghiệp chi trả trợ cấp thôi việc.
Thanh Lợi