Trong danh sách này có sự góp mặt của một số đại gia trong lĩnh vực bất động sản như Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Nam Cường, Gleximco, Văn Phú Invest…
Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội thế chấp quyền sử dụng đất tại một số thửa đất phường Yên Nghĩa và phường Dương Nội, quận Hà Đông. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội - Gleximco thế chấp quyền sử dụng đất một số thửa đất tại khu đô thị mới hai bên đường Lê Trọng Tấn, phường Dương Nội (Hà Đông) và các thửa đất tại xã An Khánh, xã La Phù (huyện Hoài Đức).
Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest thế chấp quyền sử dụng khu đất tại Khu đô thị mới An Hưng, phường La Khê và phường Dương Nội (Hà Đông). Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Văn Phú - Trung Kính thế chấp quyền sử dụng đất khu A, B tổ 51 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy.
Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh cũng thế chấp một phần tài sản gắn liền với đất hình thành trong lương lai dự án tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cũng lý giải, việc chủ đầu tư thế chấp vay vốn là chuyện rất bình thường. Cơ quan này vẫn đang kiểm soát tốt việc thế chấp của doanh nghiệp để đảm bảo quyền cấp giấy chứng nhận, sổ đỏ cho người mua nhà. Vị này cũng khuyến cáo, người mua nhà trước khi quyết định chọn dự án nào thì có thể liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để tìm hiểu thông tin về tình trạng thế chấp cũng như khả năng cấp sổ cho các căn hộ.
Trước Hà Nội, đoàn công tác liên ngành của TP HCM đã công bố danh sách 77 dự án bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng. Tuy nhiên, sau đó, nhiều doanh nghiệp đang triển khai và mở bán dự án căn hộ trên địa bàn cho biết đang phải liên tục giải tỏa nỗi hoài nghi cho khách mua nhà, bởi lẽ mọi người ngộ nhận rằng dự án đang thế chấp tức là tài sản của họ bị đe dọa, năng lực chủ đầu tư có vấn đề.
Ngọc Tuyên
Theo VnExpress