Đại diện ngân hàng nhà nước, Hiệp hội BĐS, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường; ngân hàng TMCP, các DN kinh doanh bất động sản và nhiều luật sư tham dự hội thảo. Ảnh: Đ.D
Ngày 3/5 tại TP. Hồ Chí Minh, Báo Sài gòn Đầu tư Tài chính, ấn phẩm chuyên về kinh tế của Báo Sài Gòn Giải Phóng đã tổ chức buổi tọa đàm “Nhà ở hình thành trong tương lai - Làm gì để hạn chế rủi ro”, nhằm tìm ra các giải pháp giúp giảm thiểu rủi ro khi mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Có thể thấy, dù ngay từ lúc ban hành Luật Kinh doanh BĐS, các nhà làm luật đã đưa vào các nguyên tắc, điều kiện ràng buộc chủ đầu tư để bảo vệ quyền lợi hợp pháp người mua nhà ở hình thành trong tương lai, nhưng trên thực tế hình thức này vẫn chứa đựng nhiều rủi ro cho khách hàng.
Trước hết, đó là rủi ro gây ra từ phía chủ đầu tư. Khi làm dự án, doanh nghiệp nào cũng quảng cáo mình có năng lực, cam kết giữ chữ tín, thậm chí lên sàn chứng khoán để chứng minh sự chuẩn hóa, minh bạch từ quản trị cho đến tài chính. Kế đến là những rủi ro hồ sơ pháp lý, rủi ro tài chính, rủi ro từ ngân hàng, rủi ro về tiến độ, chất lượng căn hộ… những rủi ro này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng tựu chung do am hiểu luật của người mua nhà có hạn.
Theo ông Phạm Gia Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất TP. Hồ Chí Minh (Sở Tài nguyên – Môi trường), điều 55 của Luật Kinh doanh BĐS đã quy định rõ các điều kiện để BĐS hình thành trong tương lai được dùng làm tài sản huy động vốn trước khi hoàn thành dự án. Còn điều 56 thì khắc phục và hạn chế những phát sinh rủi ro cho người mua. Như vậy, để giảm thiểu rủi ro cho người mua thì cần phải đưa 2 điều luật này mau chóng đi vào cuộc sống.
“Cơ quan quản lý cũng cần kiểm tra để xác định lại toàn bộ dự án và xác nhận dự án có đủ điều kiện bán để người mua nhà nắm bắt. Việc bảo đảm của ngân hàng cũng cần triển khai để bảo đảm cho người mua nhà trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết với khách hàng thì ngân hàng sẽ thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh”, ông Hòa nói.
Liên quan đến vấn đề khách mua nhà hình thành trong tương lai, ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển Nhà và Thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) tư vấn: Luật BĐS cũng quy định cụ thể, trước khi chủ đầu tư ký hợp đồng bán thì ngoài pháp nhân giấy tờ, phải có văn bản xác nhận sản phẩm của dự án đủ điều kiện bán hình thành trong tương lai do Sở Xây dựng xác nhận thì mới được huy động vốn. Riêng về vấn đề bảo lãnh, chủ đầu tư phải đảm bảo giao nhà đúng thời hạn, nếu ko thì có ngân hàng bảo lãnh giải quyết.
Từ hai ý kiến trên, có thể thấy, để giảm thiểu rủi ro, người mua nhà trước khi đặt bút ký hợp đồng giao dịch với bất kỳ một chủ đầu tư nào về nhà ở hình thành trong tương lai thì cần phải yêu cầu xem cho bằng được giấy xác nhận đủ điều kiện bán của dự án, tiếp đến là giấy xác nhận bảo lãnh từ phía ngân hàng./.
Đỗ Doãn
Theo Thời báo Tài chính Việt Nam Online