10/08/2011 17:35 PM

Quan ngại xung quanh việc có tới hai cách tính thuế trong các giao dịch chuyển nhượng bất động sản.

Rất dễ để nhận ra mục đích của việc áp thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) là nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, là hàng rào kỹ thuật góp phần giảm nhiệt thị trường BĐS đang phát triển quá nóng. Đồng thời, cũng là công cụ tích cực giúp người dân có nhu cầu sở hữu nhà đích thực… có cơ hội mua được nhà.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc áp thuế thu nhập đối với chuyển nhượng BĐS làm giảm số lượng giao dịch BĐS.

Ông Nguyễn Văn Minh, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận xét, nguyên nhân khiến giao dịch BĐS giảm sút trong thời gian vừa qua không chỉ do tác động của Luật Thuế thu nhập cá nhân, mà do nhiều yếu tố khác, như cơ chế, tín dụng… Mặc dù vậy, việc áp thuế thu nhập trong chuyển nhượng BĐS cũng tạo ra áp lực mới cho thị trường.

Ông Minh nhận xét, khi thực hiện các giao dịch BĐS, cơ quan quản lý mong muốn đưa tất cả các giao dịch qua sàn để bảo đảm tính minh bạch về thông tin và công khai về giá trị. Từ đó, có cơ sở để tính đúng, tính đủ cho người tham gia thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước cũng như bảo vệ quyền lợi của chính họ. Do đó, mức thuế 25% trên lợi nhuận thể hiện đúng bản chất của thị trường, còn mức thuế 2% thì chỉ tính trên khối lượng.

Ông Bùi Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) cho rằng, sẽ hợp lý hơn nếu cho phép người nộp thuế được chọn cách đóng 2% trên tổng giá trị chuyển nhượng hoặc 25% trên lãi thu được, nhằm đảm bảo Nhà nước không thất thu thuế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho DN và nhà đầu tư.

Có thể nêu một ví dụ minh chứng cho sự bất cập trong việc đóng 25% lợi nhuận hay 2% giá bán.

Chẳng hạn, ông A. mua căn hộ với giá 1 tỷ đồng, sau đó bán lại với giá 2 tỷ đồng. Nếu tính thuế dựa trên chênh lệch thu nhập khi bán và khi mua thì người này phải nộp (2-1) tỷ đồng x 25% = 250 triệu đồng. Nếu trường hợp không xác định được giá mua ban đầu, cơ quan thuế sẽ tính 2% trên giá bán, như vậy số tiền phải nộp chỉ là 2 tỷ đồng x 2% = 40 triệu đồng.

Giám đốc một công ty kinh doanh nhà đất lại khuyến cáo, nếu hệ thống theo dõi, kiểm tra, giám sát không tốt thì việc người dân tìm mọi cách giấu giá mua ban đầu để được tính thuế theo cách thứ hai có lợi hơn sẽ nhiều. Điều này dẫn đến Nhà nước không thu đúng, thu đủ được thuế, cơ quan thực thi pháp luật sẽ rất vất vả, còn người nào phải nộp theo cách thứ nhất lại cảm thấy chưa công bằng.

Mặt khác, theo ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land, với cách đánh thuế 25% trên lợi nhuận, nhà đầu thứ cấp sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Thông thường đối với các giao dịch chung cư, đất nền dự án, hoặc trong hợp đồng góp vốn, người mua sẽ phải chịu một khoản chênh lệch khi mua bán trao tay. Khoản chi phí vênh này thường do người bán và người mua thỏa thuận không lưu trên giấy tờ. Do đó, rất khó để xác định được khoản chênh lệch giữa giá chuyển nhượng và giá gốc. Nhiều chuyên gia địa ốc đề xuất, không thể tính thuế theo cách thu 25% trên lợi nhuận, mà nên tính thuế 2% trên tổng giá trị hợp đồng. Điều này sẽ khuyến khích người mua, bán khai báo giá trị thật của BĐS, tạo cơ hội cho những sản phẩm này được công bố giá sát với thị trường.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,756

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]