>> Subscribe/Đăng ký kênh YouTube THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Thủ đoạn của đối tượng là vô cùng tinh vi, ví dụ căn nhà rao bán ước chừng theo giá thị trường là 35 tỷ thì đối tượng trả 40 tỷ, người bán thấy lợi nên chấp nhận bán liền.
Tuy nhiên, người mua trao đổi với người bán là đang kẹt tiền nên thanh toán trước 20 tỷ, 60 ngày sau sẽ trả 20 tỷ còn lại, nếu đến hạn mà người mua không trả đủ tiền thì hợp đồng mua bán nhà sẽ vô hiệu, người bán lấy lại nhà, người mua chấp nhận mất 20 tỷ đã trả. Trong trường hợp này người bán thấy điều khoản của hợp động chắc ăn nên đồng ý với người mua và cả hai bên ra Phòng công chứng giao kết hợp đồng.
Lúc này người mua nhà mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đi sang tên cho mình; đồng thời rao bán căn nhà đó với giá 30 tỷ, vì rẻ hơn giá thị trường 5 tỷ nên sẽ có người mua liền. Lúc này, cả hai bên hoàn tất thủ tục mua, bán nhà.
Đối tượng mua nhà 40 tỷ bán lại 30 tỷ (nhưng mới thanh toán 20 tỷ, còn lại 10 tỷ) cao chạy xa bay; 60 ngày sau người bán nhà với giá cao chẳng thấy người mua tới thanh toán 20 tỷ còn lại, lúc này mới vỡ lẽ mình đã bị lừa, mới nhận được 20 tỷ mà nhà mình đã về tay người khác.
Trong trường hợp này người bán nhà có quyền kiện đối tượng lừa đảo ra Tòa án, song nhiều trường hợp đối tượng đã xuất ngoại nên cơ quan có thẩm quyền cũng khó lòng triệu tập để xét xử; cũng như nếu xét xử thì đối tượng đã xài hết tiền và đành chấp nhận ở tù, khi ấy người bán nhà gánh hết thiệt hại về phần mình.
Bởi vậy, người bán nhà cần cẩn trọng trong việc bán nhà, đừng ham bán giá cao mà quên những cái bẫy nguy hiểm, nên thực hiện việc bán nhà theo kiểu “tiền trao, cháo múc” nhằm tránh gặp rủi ro về sau.
Hữu Phạm