Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Hiệp định EVIPA dành riêng một điều khoản quy định về trưng dụng; trong đó, có những nội dung đáng chú ý như sau:
Thứ nhất, một bên không được quốc hữu hóa hoặc trưng dụng các khoản đầu tư được bảo hộ của các nhà đầu tư của bên kia trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các biện pháp tương đương với quốc hữu hóa hoặc trưng dụng, trừ trường hợp vì mục đích công cộng, được thực hiện thông qua quy trình hợp pháp, dựa trên cơ sở không phân biệt đối xử, và được bồi thường nhanh chóng, đầy đủ và hiệu quả.
Thứ hai, khoản bồi thường theo quy định nêu trên phải bằng giá trị thực của khoản đầu tư được bảo hộ ngay trước khi bị trưng dụng hoặc trước khi nguy cơ bị trưng dụng trở nên công khai; tùy vào từng trường hợp cụ thể mà các khoản bồi thường này có thể bao gồm lãi suất của khoản tiền chậm bồi thường.
Thứ ba, trường hợp Việt Nam là bên trưng dụng, bất kỳ biện pháp trưng dụng trực tiếp nào liên quan đến đất đai cần phải đảm bảo yêu cầu vì mục đích phù hợp với pháp luật Việt Nam hiện hành và thanh toán tiền bồi thường tương đương với giá thị trường.
Thứ tư, nếu nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi việc trưng dụng mà không đồng ý với việc trưng dụng hay số tiền bồi thường thì có quyền yêu cầu cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan độc lập khác xem xét lại vấn đề mà mình chưa đồng ý nhằm đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Như vậy, với Hiệp định EVIPA, Việt Nam đã cam kết bảo hộ với khoản đầu tư của nhà đầu tư châu Âu (trong đó có đất đai) và ngược lại, đây là cơ sở pháp lý vững chắc để các nhà đầu tư châu Âu an tâm đầu tư vào Việt Nam (không phải lo lắng bị quốc hữu hóa), trong đó có đầu tư về bất động sản.
Hi vọng, Hiệp định EVIPA là cú hích mạnh để thu hút nhà đầu tư châu Âu vào thị trường bất động sản Việt Nam, từ đó thị trường bất động sản nước nhà ngày một lớn mạnh.
Luật sư Phạm Thanh Hữu, Công ty TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT