Người phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Họp báo - Ảnh VGP/Nhật Bắc |
“Vậy Người phát ngôn của Chính phủ nói gì với người dân, nhất là với những người đang kỳ vọng có thể được mua nhà thu nhập thấp?”, phóng viên đặt câu hỏi.
Người phát ngôn của Chính phủ Vũ Đức Đam nhắc lại, "ngay từ đầu năm 2012, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát toàn bộ thực trạng doanh nghiệp, hiện Bộ đã xây dựng được một hệ thống báo cáo đầy đủ về "sức khỏe" doanh nghiệp, được cập nhật thường xuyên".
Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng khảo sát thị trường bất động sản. Trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 02, Thường trực Chính phủ và các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại lớn đã làm việc với TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nghị quyết 02 của Chính phủ với các giải pháp hỗ trợ thị trường được ban hành dựa trên kết quả đánh giá khảo sát, ý kiến của các cơ quan chức năng, các địa phương, các ngân hàng, các hiệp hội bất động sản.
Người phát ngôn Chính phủ khẳng định: “Chính phủ không bao giờ chỉ tập trung cứu nhà giàu, Chính phủ điều hành để nền kinh tế phát triển”. Trong điều hành, Chính phủ luôn nhất quán ưu tiên các đối tượng khó khăn. Thời gian qua, chúng ta dành nhiều công sức phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo.
Trong các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, Chính phủ xác định đây là một dịp để giúp người nghèo, những người trong điều kiện bình thường không thể mua được một căn hộ. Do đó, hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà là một ưu tiên hàng đầu.
Với các giải pháp của Chính phủ, “trong các đối tượng thụ hưởng, chắc chắn người có thu nhập trung bình được thụ hưởng nhiều hơn người giàu”, ông Vũ Đức Đam khẳng định.
Một điểm khác được Người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh là trong quá trình xây dựng các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, Chính phủ đã bàn và tính tới hai đặc điểm rất khác biệt của thị trường bất động sản Việt Nam so với các nước.
Thứ nhất, Việt Nam là nước đang phát triển, nên thị trường bất động sản gắn liền với nhiều ngành nghề như ngành xây dựng và ngành sản xuất, kinh doanh vật liệu, thiết bị xây dựng…
Thứ hai, ở nhiều nước, những người có thu nhập trung bình, trong đó có các đối tượng làm công ăn lương, lựa chọn thuê nhà là giải pháp đầu tiên cho bài toán nhà ở. Còn người Việt Nam ta có tâm lý muốn có nhà riêng trên mảnh đất của mình.
Các đặc điểm đó đã được Chính phủ cân nhắc đến và các giải pháp cụ thể sắp tới về tài chính, đất đai, quy hoạch, xây dựng… đều nhằm mục tiêu tháo gỡ cho bất động sản và giúp những người khó khăn tiếp cận nhà ở, đồng thời phát triển các thiết chế xã hội như trường học, bệnh viện thông qua việc chuyển đổi công năng sử dụng của một số dự án bất động sản.
Như đã đưa tin, Nghị quyết 02 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu được ban hành ngày 7/1/2013 ban nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ dành từ 20.000 – 40.000 tỷ đồng với thời hạn tối đa 10 năm để hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại nhà nước cho vay mua nhà. Đồng thời, các ngân hàng thương mại nhà nước dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại nhà nước) để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại … với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng.
Giải pháp hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội một mặt giúp cân đối cung cầu trên thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân thu nhập thấp, mặt khác giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, dần làm thị trường ấm lên, từ đó giải quyết được nợ xấu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Thu Hà