Thế chấp sổ đỏ năm 2024: Những quy định quan trọng cần biết

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
07/09/2024 12:45 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung những quy định quan trọng cần biết về thế chấp sổ đỏ năm 2024.

Thế chấp sổ đỏ năm 2024: Những quy định quan trọng cần biết

Thế chấp sổ đỏ năm 2024: Những quy định quan trọng cần biết (Hình từ internet)

Thế chấp sổ đỏ là gì?

Thế chấp sổ đỏ hay còn gọi là thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất.

Đồng thời tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

Điều kiện thực hiện quyền thế chấp sổ đỏ

Căn cứ khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định người sử dụng đất được thế chấp quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây: 

- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp:

+ Thừa kế quyền sử dụng đất.

+ Chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư.

+ Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản.

+ Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nhưng đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì được thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án;

- Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;

- Trong thời hạn sử dụng đất;

- Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

Hợp đồng thế chấp sổ đỏ có phải công chứng không?

Theo khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024, việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

- Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

- Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;

- Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;

- Việc công chứng, chứng thực thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.

Như vậy, khi thế chấp sổ đỏ thì hợp đồng thế chấp đó buộc phải công chứng, chứng thực.

Hồ sơ thế chấp sổ đỏ gồm những gì?

Cụ thể tại Điều 27 Nghị định 99/2022/NĐ-CP, người yêu cầu đăng ký thế chấp nộp 01 bộ hồ sơ, gồm các giấy tờ sau:

- Bản chính phiếu yêu cầu theo Mẫu số 01a;

- Hợp đồng bảo đảm hoặc hợp đồng bảo đảm có công chứng, chứng thực (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực);

- Bản gốc Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng) trừ trường hợp nộp đồng thời Hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm với:

+ Hồ sơ đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; hoặc

+ Hồ sơ chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Đất đang thế chấp có quyền bán không?

Căn cứ khoản 8 Điều 320 và khoản 5 Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015, bên thế chấp không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp bên nhận thế chấp đồng ý.

Như vậy, bên thế chấp chỉ được quyền bán đất nếu bên nhận thế chấp đồng ý.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,756

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]