Theo đó, để khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật
Kinh doanh BĐS hiện hành, dự thảo luật (sửa đổi) lần này được bổ sung 7 điểm mới:
Thứ nhất, về yêu cầu đối với dự án BĐS để kinh doanh và yêu cầu đối với chủ đầu
tư dự án BĐS để kinh doanh phải bảo đảm việc đầu tư kinh doanh BĐS phải tuân thủ
đúng quy hoạch đô thị, theo kế hoạch thực hiện đã được cơ quan nhà nước có thẩm
quyền phê duyệt để khắc phục tình trạng đầu tư BĐS tự phát, theo phong trào, mất
cân đối, lệch pha cung - cầu hàng hóa BĐS.
Điểm mới thứ hai, dự luật làm rõ phạm vi điều chỉnh bảo đảm phù hợp với tình
hình thực tế và có tính khả thi cao trong triển khai thực hiện, trong đó quy định
cụ thể những tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải đăng ký kinh doanh và những
trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có mua bán, cho thuê, thuê mua BĐS
nhưng không phải là kinh doanh BĐS.
Thứ ba là mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho các tổ chức, cá nhân nước
ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước
ngoài, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy thị trường
BĐS phát triển lành mạnh có tính cạnh tranh cao.
Thứ tư là mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh BĐS được cho thuê,
cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho
thuê mua BĐS đã có sẵn như quy định hiện hành.
Thứ năm là bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS khi bán, cho
thuê, cho thuê mua BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS nhằm khắc phục các tồn
tại, bất cập của tổ chức trung gian này đối với thị trường BĐS, đồng thời bảo đảm
được quyền tự chủ trong kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Thứ sáu là quy định chặt chẽ về điều kiện của cá nhân được cấp Chứng chỉ hành
nghề môi giới BĐS nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề
nghiệp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ BĐS, bảo đảm quyền lợi của
các chủ thể tham gia thị trường BĐS.
Điểm mới thứ bảy, cũng là điểm mới cuối cùng là ngoài việc sửa đổi, bổ sung 6
nhóm nội dung mới nêu trên, Dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) còn quy định
cụ thể, rõ ràng hơn về các loại nhà, công trình xây dựng được đưa vào kinh
doanh; quy định rõ điều kiện, hồ sơ của BĐS đưa vào kinh doanh; bổ sung nội
dung về chuyển nhượng, cho thuê một phần diện tích đất trong dự án BĐS; sửa đổi
các quy định không còn phù hợp với thực tế hiện nay hoặc để bảo đảm thống nhất
với các đạo luật khác có liên quan như: Bỏ một số điều quy định về đầu tư tạo lập
BĐS do đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng,
về quản lý phát triển đô thị, pháp luật về nhà ở; sửa đổi các quy định về dịch
vụ định giá BĐS, dịch vụ đấu giá BĐS, dịch vụ quảng cáo BĐS cho phù hợp, thống
nhất với pháp luật về giá, pháp luật về bán đấu giá tài sản...
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, trong quá trình xây dựng dự luật sửa đổi, bên cạnh
đa số các ý kiến nhất trí với các nội dung của dự thảo, vẫn có 3 nội dung còn
gây tranh cãi, chưa thống nhất quan điểm. Đó là về phạm vi hoạt động kinh doanh
BĐS của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài; về
quy định cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương
lai và về việc bỏ quy định bắt buộc các tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải
bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS.
Nhật Minh
Theo Lao động