Hướng dẫn ký giáp ranh đất khi sang tên sổ đỏ năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
15/11/2024 15:00 PM

Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết về ký giáp ranh đất khi sang tên sổ đỏ năm 2024.

Hướng dẫn ký giáp ranh đất khi sang tên sổ đỏ năm 2024 (Hình từ internet)

1. Ký giáp ranh đất là gì?

Hiện nay, Luật Đất đai 2024 và các văn bản liên quan chưa có quy định cụ thể về ký giáp ranh đất. Tuy nhiên, có thể hiểu ký giáp ranh đất là việc người sử dụng đất ký xác nhận ranh giới, mốc giới và ghi ý kiến của mình về ranh giới đất liền kề.

Việc ký giáp ranh đất của cá nhân, hộ gia đình giáp ranh với mảnh đất của người sử dụng đất thể hiện trong bản mô tả ranh giới đất khi xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm chứng minh đất không có tranh chấp giữa người xin cấp Giấy chứng nhận và chủ sở hữu của thửa đất liền kề.

2. Hướng dẫn ký giáp ranh đất khi sang tên sổ đỏ năm 2024

Thông thường, việc ký giáp ranh sẽ được các bên tự lập theo thỏa thuận. Theo đó, đơn ký giáp ranh sẽ bao gồm những thông tin như: 

- Thông tin của người đang sử dụng đất (Họ tên, địa chỉ, số CMND/CCCD…) và địa chỉ thửa đất (ghi địa chỉ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nơi có thửa đất).

- Thông tin tất cả người sử dụng đất liền kề với thửa đất cần ký giáp ranh (Họ tên, địa chỉ, số CMND/CCCD…) và thông tin về số thửa, số tờ bản đồ (nếu có).

- Nội dung thỏa thuận hoặc xác nhận ranh giới giữa các thửa đất không có tranh chấp giữa những người sử dụng đất liền kề

- Cuối cùng ký và ghi rõ họ tên của từng người sử dụng đất (đây là nội dung quan trọng nhất của đơn ký giáp ranh vì thể hiện việc đồng ý của người sử dụng đất về việc không có tranh chấp ranh giới).

Mẫu Đơn đăng ký giáp ranh với mảnh đất liền kề:

Mẫu Đơn đăng ký giáp ranh với mảnh đất liền kề

Lưu ý: Nội dung nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo.

- Trường hợp đất có tranh chấp về ranh giới thửa đất thì xử lý như sau:

Theo Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, cán bộ đo đạc phối hợp với người dẫn đạc cùng với người sử dụng, quản lý đất liên quan tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa, đánh dấu các đỉnh thửa đất bằng đinh sắt, vạch sơn, cọc bê tông, cọc gỗ và lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất để làm căn cứ thực hiện đo đạc ranh giới thửa đất.

Theo đó, Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất phải thể hiện đồng thời theo hiện trạng đang sử dụng, quản lý và theo ý kiến của các bên liên quan.

- Trường hợp người sử dụng đất, người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong suốt thời gian đo đạc thì việc lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được cán bộ đo đạc, các bên liên quan còn lại và người dẫn đạc xác định theo thực địa và theo hồ sơ thửa đất liên quan (nếu có). 

Đơn vị đo đạc chuyển Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập cho Ủy ban nhân dân cấp xã để xác nhận vắng mặt và thông báo trên loa truyền thanh của cấp xã, niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã để người sử dụng đất đến ký xác nhận. 

Sau 15 ngày kể từ ngày thông báo mà người sử dụng đất không có mặt và không có khiếu nại, tranh chấp liên quan đến ranh giới, mốc giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã lập.

Trường hợp sau 10 ngày kể từ ngày nhận được Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất mà người sử dụng đất liền kề không ký xác nhận, đồng thời không có văn bản thể hiện việc có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến ranh giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã được các bên liên quan còn lại, người dẫn đạc ký xác nhận và ghi rõ lý do người sử dụng đất liền kề đó không ký xác nhận vào phần “lý do không đồng ý” trong Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất.

Đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập danh sách các trường hợp nêu trên để gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã biết và lưu hồ sơ đo đạc.

Như vậy, trong trường hợp đất có tranh chấp về ranh giới thửa đất mà người sử dụng đất liền kề không ký giáp ranh thì người dẫn đạc ký xác nhận ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã lập và ghi rõ lý do người sử dụng đất liền kề đó không ký xác nhận.

Xem thêm: Quy định về xác định ranh giới thửa đất trong lập bản đồ địa chính như thế nào?

3. Năm 2024, sang tên Sổ đỏ không ký giáp ranh được không?

Như đã phân tích ở trên, việc ký giáp ranh thửa đất là không bắt buộc. Việc ký giáp ranh chỉ nhằm mục đích xác nhận rằng thửa đất không có tranh chấp với các bên liền kề.

Do đó, khi đáp ứng điều kiện theo khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 thì người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng (sang tên Sổ đỏ), tặng cho quyền sử dụng đất, cụ thể: 

- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 Luật Đất đai 2024;

- Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;

- Trong thời hạn sử dụng đất;

- Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Thông thường chỉ cần 05 điều kiện trên nhưng trong một số trường hợp khác phải có thêm điều kiện của các bên chuyển nhượng, tặng cho.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 100

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]