Một sản phẩm là thuốc, một sản phẩm là TPCN nhưng bề ngoài y chang nhau
1.001 kiểu vi phạm
Hầu như không có tháng nào, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) không ra các quyết định xử phạt vi phạm về quảng cáo TPCN. Gần đây, Cục đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 80 triệu đồng đối với năm cơ sở sản xuất và kinh doanh TPCN có sai phạm với cùng một lỗi quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung. Đó là Công ty CP Sản xuất thương mại An Khánh Thịnh (số 2 Nguyễn Hoàng, phường An Phú, quận 2, TP HCM) vi phạm về sản phẩm TPCN Facia; Công ty TNHH Grow Green AZ (số 8, ngách 78, ngõ Giáp Bát, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) với TPCN tinh lá sen tươi OB; Công ty TNHH Viện dinh dưỡng Cộng Đồng (số 171/39/70 đường Đình Thôn, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) với sản phẩm Tỏa Dương, Neuroboos, Elute 500 và Hovennis-D2; Công ty TNHH AZN Việt Nam, (81/61 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP HCM) có năm sản phẩm TPCN Super Royal Collagen; Superme Royal Jelly; Super Royal Collagel; Super White và Panadrin; Công ty CP Nam Dược (Lô A7/D21, Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Tp Hà Nội) với sản phẩm Viên khớp Bách xà.
"Các công ty sản xuất, kinh doanh TPCN thường quảng cáo sản phẩm không được cơ quan y tế xác nhận về mặt thẩm định nội dung và quảng cáo sản phẩm không đúng với nội dung mà cơ quan y tế thẩm định. Ví dụ, một sản phẩm đăng kí tại Cục có tác dụng tăng sức đề kháng, nhưng khi quảng cáo lại “mọc” thêm hàng loạt công dụng khác, giống như “thần dược” “. Ông Nguyễn Hùng Long Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm |
Cô Chi, một dược sỹ bán thuốc trên đường Phương Mai (Hà Nội) thừa nhận, nhiều loại TPCN có mẫu mã, tên gọi y chang thuốc, còn dòng chữ “thực phẩm chức năng, không thay thế thuốc chữa bệnh” thì nằm ở vị trí khó nhìn thấy, chữ nhỏ rất khó phân biệt. “Như sản phẩm ZinC - Kid của Công ty CP Dược TW 3 giống y sản phẩm TPCN ZinC – Kid của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển y tế, từ hình ảnh em bé trên bìa, màu sắc, phông chữ… chỉ khác đúng có một dòng chữ nhỏ “thực phẩm chức năng” và “thuốc”, thì đến người trong nghề không để ý cũng nhầm”, cô Chi nói.
Không nên quảng cáo TPCN trên truyền hình
Trước thực trạng hỗn loạn thị trường TPCN như hiện nay, bác sĩ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai đề xuất, không nên quảng cáo các loại TPCN công khai trên truyền hình. Vì cho dù trên quảng cáo có kèm theo câu “TPCN không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc” cũng chỉ là một hình thức lách luật trong khi quảng cáo “thổi phồng” các công dụng lại chiếm phần lớn, khiến người bệnh choáng ngợp, khó phân định, dễ hiểu lầm. Nhất là với những người đang mắc bệnh, với tâm lý “vái tứ phương” trong điều trị bệnh thì không tránh khỏi sẽ “thần thánh hóa” các sản phẩm này.
Theo ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN để phù hợp với sự phát triển của ngành TPCN trong nước, thời gian tới, các cơ quan quản lý cần siết chặt hơn nữa việc xử phạt những doanh nghiệp sai phạm, nghiêm túc thực hiện công tác thanh kiểm tra, hậu kiểm, đồng thời, hoàn thiện các văn bản pháp luật về quản lý TPCN.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định, trong năm 2015, Cục cũng sẽ tiếp tục phối hợp với Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông xử lý đơn vị sản xuất, kinh doanh TPCN vi phạm và cả các trang mạng, đơn vị quảng cáo, nhà in... quảng cáo không đúng.
Vũ Anh