Không đọc bản sao kê tài khoản: coi chừng mất quyền, mất tiền

04/05/2015 08:25 AM

Khi nhận được bản sao kê tài khoản (BSKTK) do ngân hàng nơi mở tài khoản thanh toán (TKTT) gửi đến, liệu bạn có đọc và kiểm tra tính chính xác của số liệu không? Có thông báo cho ngân hàng khi nhận thấy có bất cứ sai biệt nào trên bản sao kê không? Nếu không, bạn đang đối mặt với nguy cơ mất quyền khiếu nại đối với những mất mát trên tài khoản của mình.

Luật hiện hành không bắt buộc khách hàng phải đọc và kiểm tra tính chính xác của BSKTK.

“Điều khoản kiểm tra” và “điều kiện giao dịch chung”

Trên đây là nội dung chính của điều khoản mà tiếng Anh gọi là “verification clauses” - tạm dịch là “điều khoản kiểm tra”. Cụ thể hơn, điều khoản này quy định rằng ngân hàng có nghĩa vụ gửi cho khách hàng BSKTK (hàng tháng hoặc định kỳ); khách hàng phải đọc kiểm tra sự chính xác của từng khoản mục ghi trong bản sao kê đó và nhanh chóng thông báo cho ngân hàng bất cứ nội dung không phù hợp nào của nó (như ghi nợ tài khoản không theo chỉ thị của khách hàng). Nếu khách hàng không thông báo trong một khoản thời gian nhất định (14 hay 30 ngày, tùy từng ngân hàng) sau khi nhận BSKTK, điều đó được mặc nhiên hiểu là khách hàng đã thừa nhận tính đúng đắn của BSKTK. Lúc đó ngân hàng không chịu trách nhiệm đối với mọi khiếu nại của khách hàng liên quan đến những nội dung nói trên.

Điều khoản kiểm tra là một phần trong bản “điều kiện giao dịch chung” vốn thường được ngân hàng thể hiện dưới tên gọi “Các điều khoản và điều kiện chung/tiêu chuẩn” (General/Standard Terms and Conditions). Điều kiện giao dịch chung thông thường không nằm trong văn bản hợp đồng (trong trường hợp này là hợp đồng mở và sử dụng TKTT) mà được thể hiện trong văn bản riêng biệt, được ngân hàng đơn phương công bố, áp dụng chung cho các giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng mà không có sự thương lượng, mặc cả về nội dung của nó.

Bản điều kiện giao dịch chung trong ngành ngân hàng đã trở nên thông dụng từ lâu trên thế giới nhưng mới được các ngân hàng nước ngoài mang vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Sở dĩ ngân hàng cố gắng đưa nó vào hợp đồng bởi vì, nếu có hiệu lực, nó giúp ngân hàng hạn chế rủi ro tác nghiệp bằng công cụ pháp lý.

Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu điều khoản kiểm tra có giá trị pháp lý hay không? Luật pháp điều chỉnh vấn đề điều kiện giao dịch chung như thế nào vì có vẻ nó vi phạm nguyên tắc “tự do khế ước” - triết lý căn bản của luật hợp đồng Việt Nam.

Pháp luật Việt Nam quy định ra sao?

Văn bản điều chỉnh trực tiếp giao dịch tài khoản hiện nay là Thông tư 23/2014/TT-NHNN ngày 19-8-2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng TKTT tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Dễ thấy thông tư này không còn đề cập trực tiếp đến BSKTK (hay khái niệm tương đương như “sổ/giấy báo số dư tài khoản tiền gửi” như trước đây tại Thông tư 08/TT-NH2 ngày 2-6-1994 hay Quyết định 1284/2002/QĐ-NHNN ngày 21-11-2002). Thay vào đó văn bản này sử dụng khái niệm rộng hơn, “thông tin về số dư và các giao dịch trên tài khoản của khách hàng”. Trong thực tiễn hoạt động ngân hàng, thông tin như vậy thường chứa đựng trong BSKTK, được in ra giấy cho dù dạng dữ liệu điện tử ngày càng trở nên thông dụng.

Thông tư này quy định ngân hàng có nghĩa vụ “thông tin đầy đủ, kịp thời về số dư và các giao dịch phát sinh trên TKTT theo thỏa thuận với chủ tài khoản (được quy định tại hợp đồng mở, sử dụng TKTT) và chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với những thông tin” đó (khoản 2 - điều 6).

Rõ ràng điều luật này không hề áp đặt lên khách hàng nghĩa vụ phải kiểm tra tính đúng đắn của những thông tin tài khoản do ngân hàng cung cấp; chính ngân hàng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với những thông tin đó. Nói cách khác, luật hiện hành không bắt buộc khách hàng phải đọc và kiểm tra tính chính xác của BSKTK.

Ngoài Thông tư 23/2014 kể trên, giao dịch mở tài khoản còn được điều chỉnh bởi luật chung. Theo đó, không có điều luật nào cấm ngân hàng sử dụng bản “điều kiện giao dịch chung” (trong đó có chứa “điều khoản kiểm tra”) trong giao dịch tài khoản với khách hàng. Nhưng khác các nước, điều kiện giao dịch chung là một thứ tương đối mới mẻ, chỉ được luật hóa lần đầu tiên trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 sau nhiều lần bỏ lỡ.

Chiếu theo điều 16 luật này thì điều khoản kiểm tra có thể bị vô hiệu vì nó loại trừ trách nhiệm của ngân hàng theo Thông tư 23/2014 (ngân hàng phải chịu trách nhiệm về sự chính xác của những thông tin cung cấp cho khách hàng). Cần nói thêm là luật này cũng đưa ra cơ chế kiểm soát điều kiện giao dịch chung (và hợp đồng theo mẫu) bằng cách yêu cầu bên kinh doanh hàng hóa/dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa/dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng ban hành phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền (điều 19). Nhưng rất tiếc dịch vụ tài chính - ngân hàng không nằm trong danh mục này (theo Quyết định 02/2012/QĐ-TTg).

Thế nhưng luật này cũng chỉ bảo vệ một lớp khách hàng là người tiêu dùng - người mua, sử dụng hàng hóa/dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt (chủ yếu là cá nhân). Còn những giao dịch mở và sử dụng tài khoản giữa ngân hàng với các khách hàng khác, như các doanh nghiệp, được điều chỉnh bởi luật chung, mà quan trọng nhất là Bộ luật Dân sự năm 2005. Nhưng thật không may, bộ luật này lại chưa có khái niệm “điều kiện giao dịch chung”, chỉ mới có quy định “gần” với nó là “Hợp đồng dân sự theo mẫu” tại điều 407.

Tóm lại, trong khi chưa có cơ sở pháp lý vững chắc để khẳng định điều khoản kiểm tra có hiệu lực hay không, đặc biệt với khách hàng không phải là người tiêu dùng, khách hàng cần hết sức lưu ý cân nhắc thực hiện đầy đủ “nghĩa vụ” của mình theo điều khoản này, nhằm bảo vệ tài sản của chính mình, tránh các rủi ro pháp lý khi theo đuổi việc kiện cáo.

Nguyễn Thành Trân

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,158

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]