Thị trường điện cạnh tranh giúp khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực điện - Ảnh: TL. |
Sự hỗ trợ kỹ thuật của Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam hình thành thị trường điện cạnh tranh có sự khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực điện, giảm giá thành điện năng, áp dụng công nghệ sạch và khuyến khích bảo tồn tài nguyên.
Theo lộ trình, thị trường điện Việt Nam được hình thành và phát triển theo 3 cấp độ. Cấp độ phát điện cạnh tranh từ năm 2005 đến 2014, thị trường bán buôn cạnh tranh từ 2015 đến 2022 và cấp độ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh giai đoạn từ năm 2022 trở đi. Trong gần 3 năm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh (kể từ năm 2012), đến nay đã có 55 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện cạnh tranh.
Liên quan đến nguồn cung điện trong tháng 5-2015 vốn đang rơi vào thời điểm khô hạn tại nhiều địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hôm nay cho biết trong tháng 5 này hệ thống điện vẫn đảm bảo đáp ứng đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt.
EVN cho hay trong tháng 5 tiếp tục khai thác các tổ máy nhiệt điện than và tua bin khí đảm bảo cấp điện cho miền Nam và giữ mức nước các hồ thủy điện miền Nam nhằm đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du của các địa phương, nhất là tại các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đang trong tình trạng khô hạn nghiêm trọng.
Kế hoạch cụ thể phát điện và cấp nước hạ du của các thủy điện lớn trong tháng 5 như sau: - Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi duy trì lưu lượng xả 35 - 37 m3/giây với thời gian xả tối thiểu 12 - 14 giờ/ngày. - Thủy điện Đa Nhim duy trì lưu lượng xả trung bình ngày là 8 m3/giây (từ ngày 1 đến ngày 15-5) và 15 - 17 m3/giây (từ ngày 16 đến ngày 31-5). - Thủy điện Đại Ninh duy trì lưu lượng xả 12 - 15 m3/giây với thời gian xả tối thiểu 12 giờ/ngày. - Thủy điện Buôn Tua Srah duy trì lưu lượng xả 50 m3/giây/ngày với thời gian xả tối thiểu 12 - 15 giờ/ngày, bắt đầu từ 7 giờ hàng ngày. - Thủy điện Trị An duy trì lưu lượng xả trung bình ngày tối thiểu là 80 m3/giây. - Thủy điện Bản Vẽ duy trì lưu lượng xả trung bình là 160 m3/giây. |
Văn Nam