Tính đến thời điểm này, Bộ Tài chính là
cơ quan thuộc Chính phủ đầu tiên cho ý kiến đánh giá về phương án cổ phần hóa
Vinalines. Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng, việc xây dựng cơ cấu vốn nhà nước chỉ
giữ tỷ lệ 36% trong cơ cấu vốn điều lệ tại Vinalines có ưu điểm là góp phần xã
hội hóa đối với lĩnh vực đầu tư khai thác cảng biển, tái cấu trúc lại doanh
nghiệp và đổi mới công tác quản trị tại doanh nghiệp.
Đây được coi là một trong những đánh giá tương đối tích cực của Bộ Tài chính về phương án cổ phần hóa Vinalines đang được Văn phòng Chính phủ gửi xin ý kiến các bộ, ngành trước khi tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Vinalines kiến nghị mở rộng cửa hơn trong lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. Ảnh: Đức Thanh
Mặc dù vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo Vinalines xây dựng phương án cổ phần hóa theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại Văn bản số 433/VPCP - ĐMDN ngày 10/3/2015 là phải xây dựng phương án tổng thể hệ thống cảng biển do Vinalines nắm giữ sau tái cơ cấu, để có định hướng sản xuất - kinh doanh phù hợp, đảm bảo mục tiêu trở thành doanh nghiệp nòng cốt trong lĩnh vực vận tải, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải. “Trên cơ sở đó, đề xuất tỷ lệ vốn nhà nước cần nắm giữ tại Vinalines phù hợp với các quy định hiện hành”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đề xuất.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2015, Bộ Giao thông - Vận tải đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt phương án cổ phần hóa Vinalines sau khi được chỉnh sửa theo góp ý của lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải và đại diện các bộ, ngành liên quan tại cuộc họp được tổ chức giữa tháng 3/2015.
Điểm nhấn lớn nhất của phương án cổ phần hóa này chính là việc Nhà nước sẽ chỉ nắm tối đa 36% vốn điều lệ tại Vinalines và mở rộng cánh cửa sở hữu doanh nghiệp vận tải biển lớn nhất Việt Nam cho các nhà đầu tư nước ngoài. Mức thoái vốn này được đánh giá là “sâu” nhất trong số các tổng công ty 91 đã và đang lên phương án cổ phần hóa hiện nay. Cụ thể, trong cơ cấu vốn điều lệ của Công ty mẹ - Công ty cổ phần Vinalines dự kiến lên tới 9.300 tỷ đồng, Nhà nước chỉ nắm 334,8 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần), tương đương 36% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 279 triệu cổ phần, tương đương 30% vốn điều lệ.
Cần phải nói thêm rằng, theo Quyết định 37/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, Công ty mẹ - Vinalines thuộc danh mục khi thực hiện cổ phần hóa nhà nước cần nắm giữ từ 75% vốn điều lệ trở lên.
Liên quan tới các nhóm tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, Vinalines kiến nghị mở rộng cửa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển, cảng biển, dịch vụ hàng hải. “Giá bán cho các nhà đầu tư chiến lược là giá thỏa thuận giữa các bên, nhưng không thấp hơn giá đấu giá thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai”, ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines đề xuất.
Mắc mớ lớn nhất trong lựa chọn nhà đầu tư trong quá trình cổ phần hóa Vinalines là việc có cho phép các chủ nợ tại công ty mẹ Vinalines chuyển nợ thành vốn góp cổ phần hay không. Cụ thể, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị cho phép chuyển nợ vay thành vốn góp cổ phần của Công ty mẹ Vinalines và các đơn vị thành viên theo hướng cho phép các chủ nợ được hoán đổi trực tiếp mà không phải đặt cọc, thanh toán tiền mua cổ phần về tài khoản phong tỏa của Vinalines.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Hiếu, việc chuyển nợ vay của Vinalines và đơn vị thành viên thành vốn góp cổ đông thực chất là biện pháp cấn trừ nợ nhằm giảm nợ phải trả của Vinalines tại các tổ chức tài chính, tín dụng nói chung và chủ nợ khác nói riêng, đồng thời giảm nợ cho vay của các tổ chức này tại Vinalines. “Đây là mong muốn của cả Vinalines và các chủ nợ. Nếu việc chuyển nợ thành vốn góp tại đây thỏa mãn các quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng thì có thể không áp dụng điều kiện đặt cọc 10% giá trị cổ phần đăng ký mua theo giá khởi điểm được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền”, ông Hiếu đánh giá.
Anh Minh