Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám (phải) và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ZHANG Taolin (trái) ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh nông nghiệp
Bản ghi nhớ sẽ giúp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, công nghệ, thương mại và sản xuất cây trồng, kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi; sản xuất máy nông nghiệp; chế biến nông sản và trao đổi chuyên gia và thông tin giữa hai bên.
Trong thời gian qua, hai Bộ đã có nhiều hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và đào tạo nâng cao năng lực. Hai Bộ cũng có nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và chế biến gỗ, thức ăn chăn nuôi, thức ăn gia súc, gia cầm, vật nuôi, thủy sản, cây trồng, rau quả tươi….
Tổng vốn đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ tính riêng năm 2014 đã lên tới 279 triệu USD với 112 dự án. Trong quí 1/2015 cũng đã có 21 dự án mới được ký kết với tổng vốn đầu tư là 33 triệu USD, với các lĩnh vực như gỗ; thức ăn chăn nuôi, vật nuôi, hoa quả tươi…. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sẽ có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc.
Về thương mại, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc, tăng từ 3,4 tỷ USD (năm 2009) lên 8 tỷ (năm 2013), tốc độ xuất nhập khẩu tăng trung bình 23%/năm. Nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc: cao su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sắn và các sản phẩm từ sắn, gạo, rau quả, thủy sản, hạt điều, nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi… Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc: máy nông nghiệp, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi…
Riêng năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu từ Trung Quốc 636 triệu USD phân bón, 262 triệu USD thức ăn gia súc và nguyên liệu, trên 400 triệu USD thuốc trừ sâu… Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, nhìn chung cán cân thương mại xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam vẫn nhập khẩu siêu khá nhiều từ Trung Quốc, chủ yếu các mặt hàng công nghiệp, vật tư đầu vào.
Về hợp tác thủy sản, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, Việt Nam và Trung Quốc đã hợp tác có hiệu quả trong Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc bộ. Hiện nay hai nước đã có Ủy ban hợp tác giữa hai bên, thường xuyên họp hàng năm và có những điều tra nguồn lợi, phối hợp tuần tra chung, cấp phép khai thác ở Vịnh Bắc bộ.
Trong lĩnh vực phát triển nông lâm thủy sản, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị, hai bên có thể cùng hợp tác phát triển các giống vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ phát triển liên kết trong chế biến tiêu thụ, đặc biệt là tăng cường sự hợp tác giữa các Cục, Vụ, Viện của hai nước. Hai bên cần tăng cường trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn.
Về khoa học kỹ thuật, hai bên cần tăng cường đào tạo về nghiên cứu, phòng chống dịch bệnh, sản xuất vắc xin. Đặc biệt là hợp tác về khoa học công nghệ, đưa khoa học công nghệ cao vào nông nghiệp.
Trên lĩnh vực thương mại, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị hai bên cần tăng cường công tác trao đổi thông tin về tình hình dịch bệnh, phòng chống buôn lậu động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch cũng như phòng chống dịch qua biên giới; hỗ trợ tiếp cận thị trường, hệ thống phân phối nông sản để nâng cao thu nhập cho nông dân.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ZHANG Taolin đã hoàn toàn đồng ý với những đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam trong việc giám sát trên biển, duy trì an ninh, an toàn trên Vịnh Bắc bộ, đặc biệt là nguồn lợi hải sản.
Nguyễn Hạnh