Ông Phạm Đình Thi. |
Trong Quyết định số 1211/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp các bộ liên quan xây dựng công thức xác định giá tính thuế TTĐB tạo sự bình đẳng giữa ô tô nhập khẩu và ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Với ô tô, nhiều cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã có kiến nghị xem xét điều chỉnh quy định để tránh tình trạng một số đơn vị lách thuế.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô trong nước (VAMA) cũng đã có văn bản kiến nghị về mức giá tính thuế hiện tại của xe nhập khẩu đang được ưu đãi hơn. Theo VAMA, thông thường, giá tính thuế với xe nhập khẩu chỉ bằng 80% so với xe sản xuất lắp ráp trong nước. "Con số này cần xem kỹ hơn nhưng thực tế giá tính thuế với xe nhập khẩu hiện bằng giá thực tế phải trả đến cửa khẩu nhập đầu tiên (giá CIF) cộng với thuế nhập khẩu" - ông Thi nói.
Lần này dự thảo có sửa cách xác định giá tính thuế TTĐB theo giá các nhà kinh doanh bán ra. Điều này đồng nghĩa rằng xe nhập khẩu thì giá tính thuế là giá do nhà nhập khẩu bán ra.
Đề xuất này đã dấy lên một làn sóng lo ngại về việc số thuế phải nộp tăng lên kéo theo giá xe cũng sẽ tăng trong thời gian tới và chính người tiêu dùng Việt Nam sẽ phải "gánh chịu". Ông nghĩ gì về những lo ngại này?
Việc xác định lại giá tính thuế để tạo ra môi trường cạnh tranh, để tránh lợi dụng trong cơ chế xác định giá chứ không phải tăng thuế. Một số doanh nghiệp trước nay làm tốt và không “lách” thì rõ ràng mức chênh không đáng kể.
Không thể nói giá ô tô sẽ tăng. Giá trong cơ chế thị trường sẽ do thị trường quyết định, tức là do cung và cầu. Chính sách sẽ có tác động nhưng không có nghĩa sẽ hình thành giá bán mới. Thị trường sẽ không chấp nhận và các nhà kinh doanh phải tự tiết giảm chi phí, nâng cao quy trình, khả năng quản lý để đảm bảo lợi nhuận.
Giá ô tô sẽ do thị trường quyết định
Liệu đề xuất của Việt Nam có tạo được sự tương đồng với nhiều nước trong khu vực không, thưa ông?
Đề xuất của Bộ Tài chính nhìn chung có sự tương đồng với các nước trên thế giới. Đơn cử như tại Philippines, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô hiện đang tính theo giá bán buôn; với Malaysia, cách tính là lấy giá bán buôn trừ đi phần nội địa hóa.
Một số nước khác như Thái Lan, cách xác định hiện cũng là giá CIF cộng với thuế nhập khẩu, tuy nhiên, họ cũng đang sửa đổi quy định theo hướng tính theo nhà kinh doanh bán ra với ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu.
Mới đây, đại diện các nhà nhập khẩu ôtô Việt Nam có gửi ý kiến cho rằng, giá tính thuế nhập khẩu, hay giá CIF đã bao gồm giá vốn cộng chi phí bán hàng của nhà sản xuất chính hãng như chi phí quản lý, đóng gói, quảng cáo, trưng bày, vận chuyển,… và lãi. Bởi vậy, việc tính theo các chi phí bán hàng trong nước liệu có thực sự công bằng, thưa ông?
Đến nay, tôi chưa được tiếp cận văn bản góp ý của các nhà nhập khẩu ô tô.
Tuy nhiên, với ô tô, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt phải là giá do nhà kinh doanh bán ra. Như vậy, với các nhà sản xuất lắp ráp trong nước, giá bán tính theo các cơ sở sản xuất, lắp ráp bán ra còn với xe nhập khẩu là giá nhà nhập khẩu bán ra.
Với các nhà nhập khẩu, để tới tay người dùng Việt Nam còn qua quá trình nhà kinh doanh ô tô chuyển tới tay người tiêu dùng. Bởi vậy, tôi cho rằng không có sự trùng lặp gì ở đây.
H.Vân