Danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu
tú là phần thưởng cao quý mà Nhà nước phong tặng cho nghệ sĩ nhằm ghi nhận công
lao đóng góp của họ cho nền nghệ thuật nước nhà. Cứ hai năm một lần, việc phong
tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lại được tiến hành, song lần nào
cũng vậy, luôn xuất hiện những luồng dư luận khác nhau. Kẻ khen, người chê, khiến
dư luận quan ngại liệu việc bình chọn những danh hiệu này có khách quan, đánh
giá đúng tài năng, sự cống hiến của nghệ sĩ hay vẫn là một thứ đặc ân của cơ chế
xin – cho.
“Không ý kiến mới lạ”. Đó là khẳng định của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Việt Nam, người từng 7 lần tham gia trong Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú cấp Bộ, trước những luồng dư luận trái chiều về việc xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ năm nay. Theo ông, để đưa ra danh sách 158 nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú lần thứ 8, Hội đồng đã phải làm việc rất công tâm.
Người được phong, phải được 90% thành viên Hội đồng bỏ phiếu thông qua (khác với những lần trước là 75%). Người được đưa ra xét duyệt bắt buộc phải có số huy chương nhất định, rồi còn xét đến các thành phần hỗ trợ cho sáng tạo như: ánh sáng, âm thanh, phục trang…mà trước kia ít ai để ý.
Điều này giúp người làm nghệ thuật đỡ thiệt thòi hơn nhưng cũng làm danh sách nghệ sĩ được phong các danh hiệu nhiều lên: “Chúng ta có quy định của nghị định rồi, đó là khung cứng. Tất nhiên ở đây không chỉ có là Huy chương Vàng mà còn có sự đóng góp chung được khán giả, được bạn nghề công nhận. Ví dụ trong hội đồng là những người làm nghề, họ thấy anh này có huy chương vàng nhưng về mặt cống hiến chưa có nhiều đóng góp để đạt được danh hiệu đó nó không có tính thuyết phục. Trong những cuộc họp ấy tôi cũng đã nói nếu chỉ có huy chương thì chúng ta chỉ làm một cái cơ hữu thôi. Không cần Hội đồng xét làm gì”.
Đáng nói là trong danh sách danh sách nghệ sĩ được đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú lần này không có những cái tên quen thuộc của sân khấu kịch như nghệ sĩ ưu tú Chí Trung, Nghệ sĩ ưu tú Minh Hằng, nghệ sĩ Hoài Linh, Trịnh Kim Chi… Hay như 4 nghệ sĩ lớn của nghệ thuật cải lương nước nhà là Bạch Tuyết, Kim Cương, Ngọc Giàu, Lệ Thủy đến nay vẫn phải “đặc cách” thì mới trở thành nghệ sĩ nhân dân?. Lý do là do họ… thiếu các loại huy chương tại các hội diễn! Điều kiện này nằm trong quy chế về xét phong các danh hiệu nghệ sĩ, nhưng vốn đã gây khá nhiều tranh cãi lâu nay.
Nếu chỉ theo các tiêu chí xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú như: Trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ…. thì có lẽ cả các nghệ sĩ nêu tên ở trên đều thừa tiêu chuẩn. Nhưng đến tiêu chí “Có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia tính từ thời điểm nộp hồ sơ...” thì…những nghệ sĩ này, người thì thiếu huy chương, người thì “quên” không khai trong hồ sơ.
Theo Nghệ sĩ Nhân dân Thế Anh, Nhà hát Kịch Việt Nam, các tiêu chí nghị định đưa ra còn khá chung chung, khó áp dụng. Tuy nhiên ông cũng cho rằng, nhiều nghệ sĩ có vẻ “kiêu”, sống ngoài tập thể: “Bây giờ người ta quy định là phải có đủ tiêu chuẩn tức là phải có 2 huy chương trở lên thì mới phong được. Mà huy chương là căn cứ vào tác phẩm nghệ thuật mà anh tham gia, thế nhưng bây giờ có những người nổi tiếng nhưng chẳng có huy chương, ví dụ như ngày xưa là nghệ sĩ Văn Hiệp, làm gì có huy chương nào. Nói chung là rất phức tạp, mà tiêu chí thì nhiều cái chung chung”.
Nghệ sĩ nhân dân Quốc Trị cho rằng, công chúng đang đánh giá sự cống hiến của nghệ sĩ qua tần suất họ xuất hiện. Những nghệ sĩ chèo, tuồng, múa rối ít được tiếp cận với công chúng nhưng sự cống hiến của họ cho nghệ thuật rất lớn. Họ thường tiên phong đi đến vùng xâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để biểu diễn phục vụ nhân dân. Đối lập lại, là những nghệ sĩ “nổi tiếng” với khán giả qua những gameshow, phim truyện, tiểu phẩm hài… trên truyền hình. Điển hình như nghệ sĩ Hán Văn Tình, ông rất nổi tiếng qua vai diễn Chu Văn Quềnh trong phim “Đất và Người”, nhưng ít ai biết đến một Hán Văn Tình – nghệ sĩ tuồng: “Nếu đưa ra tiêu chí thì phải xét trên cơ sở đó, nếu không căn cứ vào điều đó mà chỉ sức lan toả thì vô cùng. Bởi có rất nhiều nghệ sĩ công chúng biết tên đến, nhưng cái cống hiến trong nghệ thuật, thành tích trong nghệ thuật đạt được thì một là do họ không nằm trong tổ chức nghệ thuật nào, hai là nằm trong tổ chức nghệ thuật nhưng trong những kỳ hội diễn nhường vai cho các nghệ sĩ khác để có thành tích xét tuyển, mà các bạn ấy lại quên đi cho mình chẳng hạn, thì đấy cũng là một điều cần xét tới”.
Danh hiệu là một phần thưởng tinh thần rất quan trọng, là thước đo cho cuộc đời làm nghệ thuật của nghệ sĩ. Nhưng vì sao cứ mỗi khi danh sách phong tặng Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú được công bố thì giới nghệ sĩ lại lời ra tiếng vào. Phải chăng việc phong danh hiệu nghệ sĩ đang tồn tại những bất ổn từ cơ chế, tiêu chí xét duyệt, hay vì thói đời chẳng ai chịu ai!
Trong khi đó, có những nghệ sĩ rất nổi tiếng, có uy tín trong nghề, được nhân dân mến mộ, có nhiều lớp học trò đã được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ này, nghệ sĩ kia … nhưng bản thân họ, chẳng có danh hiệu gì, ngoài một thứ danh hiệu duy nhất: nghệ sĩ trong lòng dân./.
Ngọc Ngà
Theo Đài Tiếng Nói Việt Nam