Nghịch lý "đòi" tăng lương: Phó Viện trưởng VKSNDTC "vượt" Phó Thủ tướng

15/07/2015 08:22 AM

UB Tư pháp của Quốc hội cho rằng, nếu điều chỉnh chế độ tiền lương và phụ cấp đặc thù đối với một số chức danh ngành kiểm sát thì lương Phó Viện trưởng VKSNDTC sẽ cao hơn cả lương của Phó Chủ tịch QH.

Nghịch lý này được ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nêu ra trước đề xuất tăng lương, phụ cấp đặc thù của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình tại phiên họp thứ 39 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 24/7.

Không phải cứ ra luật mới là “đòi” tăng lương, phụ cấp

Trình bày tờ trình về đề xuất tăng lương, phụ cấp đặc thù đối với kiểm sát viên (KSV), điều tra viên, kiểm tra viên, công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân, Viện trưởng Viện KSNDTC Nguyễn Hoà Bình cho biết, theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) năm 2014 thì hệ thống VKSND đã có sự thay đổi từ 3 cấp VKSND thành 4 cấp, bổ sung ngạch KSV cao cấp.

Tuy nhiên, chế độ tiền lương, phụ cấp hiện nay chưa quy định chế độ lương, phụ cấp đối với chức danh mới bổ sung này. Do đó, VKSNDTC đề nghị bổ sung các quy định về chế độ tiền lương, phụ cấp đối với KSV, điều tra viên, kiểm tra viên, công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng, nếu điều chỉnh chế độ lương, phụ cấp đặc thù cho một số chức danh ngành kiểm sát sẽ dẫn tới nghich lý lương cấp phó cao hơn cấp trưởng...

Cụ thể, Viện trưởng Nguyễn Hoà Bình đề nghị, giữ nguyên bảng lương đối với ngạch KSV sơ cấp, trung cấp và các ngạch kiểm tra viên, điều tra viên như hiện nay. Đồng thời, bổ sung quy định về bảng lương của KSV VKSNDTC. Theo đó có 2 bậc, hệ số từ 8,8 đến 9,4 tăng so với hiện hành (hiện hành là 6 bậc, hệ số từ 6,2 đến 8,0).

Nêu quan điểm thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, ông Nguyễn Văn Hiện cho rằng, việc sửa đổi chế độ tiền lương, phụ cấp đặc thù của ngành Kiểm sát nhân dân phải đặt trong sự thống nhất, đồng bộ của cả hệ thống chính trị.

“Đề nghị của Viện trưởng VKSNDTC về bảng lương của Kiểm sát viên VKSNDTC là không phù hợp”- ông Hiện nói và dẫn phân tích của Bộ Nội vụ. Theo phân tích này, nếu quy định bảng lương của Kiểm sát VKSNDTC như đề nghị trên thì lương chức danh Phó Viện trưởng VKSNDTC được xếp bậc 2 hệ số lương 9,4 cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo hiện hưởng là 1,3 thì có tổng hệ số là 10,7 sẽ cao hơn bậc 1 hệ số lương 10,4 của Viện trưởng VKSNDTC, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư trung ương Đảng.

“Đề xuất tăng lương, phụ cấp của VKSNDTC phải chờ sự thay đổi của toàn bộ hệ thống chính trị chứ mỗi bộ, ngành khi có thay đổi luật lại muốn thay đổi chế độ phụ, cấp tiền lương thì rất khó”- ông Hiện nhấn mạnh.

Do đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh, khi chưa có đề án tổng thể về cải cách chính sách tiền lương đề nghị ngạch KSV VKSNDTC và KSV cao cấp vẫn áp dụng chung bảng lương của KSV VKSNDTC theo quy định hiện hành.

Song, để đảm bảo tính hợp lý và công bằng về chính sách lương giữa 2 ngạch KSV này thì trong trường hợp KSV cao cấp được bổ nhiệm KSV VKSNDTC và KSV VKSNDTC theo luật cũ được bổ nhiệm làm KSV VKSNDTC theo luật mới, thì được xếp lên một bậc lương liền kề của bậc lương hiện hưởng tại thời điểm bổ nhiệm.

Trang phục ngành kiểm sát: Vừa đổi, sao lại không mặc?

Một nội dung khác cũng nhận được sự “phản bác” của đa số ý kiến thảo luận tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi Viện trưởng Nguyễn Hoà Bình đưa ra kiến nghị được thay đổi trang phục của ngành kiểm sát. Theo Viện trưởng VKSNDTC, màu sắc của trang phục thường dùng và bộ lễ phục chưa thật phù hợp, chưa thể hiện được màu sắc đặc thù của ngành kiểm sát nhân dân.

“Hiện màu trang phục của ngành kiểm sát bị coi là “na ná” màu sắc trang phục của ngành công an (giữa màu trắng và màu mỡ gà). Dù anh em rất thích nhưng khi mặc lên ngành bạn không thích nên ngại….”- ông Nguyễn Hoà Bình nói.

Quan điểm không nên thay đổi trang phục của ngành kiểm sát cũng được Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh trong báo cáo thẩm tra. Uỷ ban này cho rằng, trang phục hiện nay của ngành kiểm sát mới thay đổi được 3 năm, giờ nếu thay đổi nữa sẽ gây ra tốn kém cho ngân sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì tỏ ra tiếc nuối, mới cách đây 3 năm Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn đưa ra bàn thảo rất sôi nổi và khen về sự đổi mới trong trang phục của ngành kiểm sát. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, chưa có đánh giá, tổng kết, ngành đã muốn thay đổi là một sự lãng phí lớn. “Trong lúc ngân sách khó khăn, chưa nên nghĩ tới chuyện thay đổi trang phục ngành kiểm sát” – bà Ngân quả quyết.

Trước lập luận của Viện trưởng VKSNDTC, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngay lập tức “bác” ý kiến này. Ông Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, quy định trang phục, lễ phục của ngành kiểm sát đã được nêu trong pháp lệnh của Quốc hội, chẳng lẽ vì nói trùng hợp với ngành khác nên không mặc, không dùng.

“Giữa một bên là quy định trong pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, và một bên là những ý kiến ngoài lề, các đồng chí chấp hành theo cái nào? Vừa mới thay đổi, giờ lại yêu cầu sửa tiếp là vô lý” – Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn phê bình.

Nguyễn Hoài

Theo Báo điện tử Bộ TTTT

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,823

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]