Câu hỏi có bao nhiêu công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về” đã được đại biểu “truy” người đứng đầu ngành nội vụ.
Bên cạnh chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, nguyên nhân và giải pháp khắc phục “lạm phát cấp phó”, hạn chế tiêu cực trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ… cũng là những vấn đề đặt ra với Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình.
Ngay từ lần chất vấn trước vào kỳ họp thứ sáu (tháng 11/2013), câu hỏi có bao nhiêu công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về” đã được đại biểu “truy” người đứng đầu ngành nội vụ. Nhưng, câu trả lời về vấn đề này vẫn luôn là ẩn số.
Tại kỳ họp này, số liệu của năm nay chưa có, song Bộ trưởng cho biết, theo số liệu tương đối đầy đủ của năm 2013, công chức hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc là 34,33%, hoàn thành tốt nhiệm vụ là 58,08%, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực 4,94%, không hoàn thành nhiệm vụ chỉ có 0,46%.
Viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 34,49%, hoàn thành tốt nhiệm vụ 50,14%, hoàn thành nhiệm vụ 8,06%, không hoàn thành nhiệm vụ 0,24%.
Theo các số liệu này của Bộ trưởng Thái Bình, cộng lại thì có thể thấy số công chức “hoàn thành nhiệm vụ” từ mức tối thiểu trở lên là 99,54%, tương tự với viên chức con số này lên tới 99,76%.
Ông Bình còn cho biết thêm là có 23 bộ ngành, địa phương báo cáo không có công chức nào được đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ. 7 bộ ngành, địa phương báo cáo không có viên chức nào không hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với khối bộ ngành Trung ương thì 2 đơn vị có công chức không hoàn thành nhiệm vụ, khối địa phương có 4 đơn vị số cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ cao. Tuy nhiên, danh tính bộ, ngành, địa phương không được Bộ trưởng đề cập cụ thể.
Trước khi Bộ trưởng đưa ra những thông tin nói trên, đại biểu Đỗ Văn Đương cho biết, dư luận phản ánh hiện nay có tình trạng những người có năng lực không vào và nếu có vào thì một thời gian cũng ra khỏi khu vực nhà nước ngày càng nhiều. Ngược lại người kém năng lực lại gia tăng ở khu vực nhà nước, chính điều này là nguyên nhân gia tăng con người hành chính “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
"Vì sao số công chức tận tâm với công việc, sáng tạo trong công tác ngày càng ít, nhưng số công chức lười nhác chỉ “một dạ, hai vâng” nhưng lại ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều. Đây có phải là nguyên nhân chính làm gia tăng bộ máy hành chính và cũng là nguyên nhân của tội phạm tham nhũng, nguyên nhân do đâu và giải pháp đột phá để tham mưu cho Đảng và Nhà nước khắc phục tình trạng này?", đại biểu Đỗ Văn Đương chất vấn.
Nhận xét là câu hỏi này rất khó, Bộ trưởng Bình trả lời nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên là do sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng với trình độ năng lực của từng người.
Bên cạnh đó cơ chế thưởng phát cũng chưa nghiêm, chế độ đánh giá chưa đổi mới gắn với trách nhiệm, chế độ tiền lương, ngoài ra cũng chưa tuyển được người có năng lực, tâm huyết.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bình cho hay sẽ đổi mới cơ chế đánh giá như cấp trên đánh giá cấp dưới, sử dụng trọng dụng người có tài năng làm được việc.
Bên cạnh xây dựng nghị định trọng dụng nhân tài, Bộ Nội vụ sẽ thực hiện chế độ miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác, tinh giản biên chế đối với những người không hoàn thành nhiệm vụ.
Với vấn đề nan giải về quá nhiều cấp phó, đại biểu Bùi Thị An cho rằng “lạm phát” cấp phó kéo dài ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương là một trong những nguyên nhân làm cho bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả lãng phí, không đúng quy định của Chính phủ.
Bà An muốn biết quan điểm và giải pháp của Bộ trưởng về vấn đề này.
Theo Bộ trưởng Bình, quy định là một bộ, cơ quan ngang bộ có 4 thứ trưởng, muốn tăng phải có đề án báo cáo các cơ quan thẩm quyền là Ban cán sự đảng, Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương, Ban bí thư quyết định.
Thủ tướng đã chỉ đạo, Bộ Nội vụ cũng có nhiều lần đề nghị số thứ trưởng nên quy định “cứng” chứ không quy định “mềm” nữa. Tuy nhiên, đề nghị của Bộ Nội vụ đưa ra thảo luận, rồi bỏ phiếu nhưng không lần nào quá bán. Chính vì vậy, Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ phải thảo luận với các bộ, nhưng khi Bộ Nội vụ đề nghị số lượng thứ trưởng ít, còn các bộ đề nghị số lượng nhiều nên quan điểm không gặp được nhau, ông Bình phân trần.
Một số so sánh cũng được Bộ trưởng nêu như cấp bộ quy định 4 thứ trưởng mà bình quân đang là là 5,4, cấp tổng cục quy định 3 phó nhưng bình quân 3,69, cấp vụ 3 nhưng bình quân 3,04, cấp sở cũng 3 nhưng bình quân 3,06.
Đáng chú ý, Bộ trưởng cho biết Bộ Nội vụ làm gương có 4 thứ trưởng nhưng tinh thần này chưa được lan tỏa. Nguyên nhân là do sức ép công việc, lãnh đạo điều hành một số cơ quan, nền hành chính còn nhiều, có đồng chí chủ trì hội nghị không phân công cấp phó, thứ trưởng đi không được".
Tuy nhiên, cũng có một số cơ quan quá nhiều cấp phó nhưng không xuất phát từ nhu cầu, thậm chí là bổ nhiệm “vì lý do nào đó”.
Ông Bình cũng đồng tình với các đại biểu về việc bổ nhiệm quá nhiều cấp phó gây lãng phí, không được sự đồng thuận trong xã hội.
Đề cập giải pháp, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra nếu có sai thì kiến nghị xử lý. Còn nếu chức danh, chức vụ có quy định cứng rồi mà vượt thì đề nghị ngành đó phải điều chỉnh. Giải pháp mạnh mẽ hơn thì các ngành phải ngồi lại với nhau để bàn đưa ra số lượng cấp phó cho phù hợp.
Nguyễn Lê