25/10/2011 08:16 AM

Chiều nay 24/10/2011, Quốc hội Khóa XIII họp kỳ thứ 2 do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành các Đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật khiếu nại.

Cấu trúc của Dự án Luật khiếu nại gồm 8 chương (73 điều); luật này quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân, quản lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại.

dgbd
Các đại biểu thảo luận tại Hội trường

Trong buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về 8 vấn đền chung của Dự án Luật khiếu nại, gồm: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Khiếu nại nhiều người; Thẩm quyền giải quyết khiếu nại; Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại;Tiếp công dân; Khiếu nại, giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại; và các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm về giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, có một số nội dung nổi bật được một số Đại biểu Quốc hội “nhấn mạnh”.

Bao nhiêu người cùng khiếu nại thì được gọi là “nhiều người”?

Thảo luận liên quan đến khái niệm “khiếu nại nhiều người” quy định tại khoản 4 Điều 8, khoản 2 Điều 31 và khoản 4 Điều 60 của Dự án Luật khiếu nại được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cho rằng: “Để mở quyền khiếu nại cho công dân, Quốc hội cần quy định cụ thể “từ bao nhiêu người trở lên thì được gọi là nhiều người”; khi có khiếu nại “nhiều người” thì ai là người đại diện?”.

Cùng có ý kiến về “khái niệm mang tính quy định” này, Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) kiến nghị cần phải làm rõ: “Khiếu nại nhiều người thì tiếp nhận đơn và xử lý đơn khiếu nại này ra sao? Các đơn khiếu nại nhiều người có cùng nội dung, cùng yêu cầu thì giải quyết như thế nào? Ngược lại, khiếu nại nhiều người có nhiều nội dung và yêu cầu khiếu nại khác nhau, thì nơi tiếp nhận đơn giải quyết phân loại đơn ra sao?”

Cũng liên quan đến khái niệm “khiếu nại nhiều người”, nhiều đại biểu trong Nghị trường còn đề nghị Quốc hội xem xét, làm rõ thời hạn khiếu nại nhiều người, cơ chế giải quyết và cần có những hành vi nghiêm cấm việc lợi dụng khiếu nại đông người để gây rối trật tự công cộng, kích động để chống chính quyền trong các lĩnh vực giải quyết đền bù, giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai…

Cần có quy định “từ chối tiếp công dân”

Qua thảo luận, nhiều Đại biểu Quốc hội còn có ý kiến khác nhau về một số quy định “tiếp công dân”. Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, quy định “tiếp công dân” nên quy định thành văn bản riêng. Bỡi vì, theo Đại biểu Chu Sơn Hà, công dân không chỉ đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để khiếu nại, tố cáo mà còn có những kiến nghị, đề xuất khác, cũng nên Quốc hội cũng cần xem xét, tiếp thu. Tuy nhiên, trong trường hợp sự việc khiếu nại đã được giải quyết nhưng công dân vẫn chưa thấy thỏa đáng và liên tục có khiếu nại vượt cấp, kéo dài, thì cũng nên có quy định rõ “trong trường hợp khiếu nại nào được coi là vi phạm, qua đó làm căn cứ từ chối tiếp công dân”?

Trong Chương V (tiếp công dân), có nhiều ý kiến đề nghị không quy định tiếp công dân trong Luật này vì không thuộc trình tự giải quyết khiếu nại, đồng thời đề nghị cần phân biệt tiếp công dân để nhận kiến nghị, phản ánh và tiếp công dân để giải quyết khiếu nại. Ý kiến khác lại đề nghị cần tiếp tục quy định việc tiếp công dân trong Luật này nhưng phải khác phục được tính hình thức, chưa phù hợp với thực tế.

Khiếu nại phát sinh trong các đơn vị công lập, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) có kiến nghị Quốc hội nên “Quy định thành chương riêng về khiếu nại trong đơn vị công lập”.  Mặt khác, Đại biểu Thúy còn kiến nghị cần đưa vào Dự án Luật khiếu nại thêm “quy định phòng ngừa phát sinh khiếu nại”…

Ngày mai, Quốc hội tiếp tục làm việc.

Trọng Hùng

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,873

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]