Có nên bỏ tội cố ý làm trái?

07/08/2015 08:44 AM

Nhiều chuyên gia nói nên bỏ tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng vì đây là “cái túi” gom tội không rõ ràng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn…

Dự thảo BLHS(sửa đổi) bỏ tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Thay vào đó, dự thảo bổ sung 41 tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, thuộc ba nhóm: nhóm sản xuất kinh doanh, thương mại; nhóm thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và nhóm kinh tế khác.

Cái “túi gom tội” chung chung

Tại hội thảo góp ý sửa đổi BLHS do Bộ Tư pháp vừa tổ chức tại TP Đà Nẵng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính Nguyễn Văn Hoàn cho rằng việc bỏ tội danh này là hợp lý vì quy định hiện hành (Điều 165 BLHS) quá rộng, quá chung chung, không chỉ ra được vi phạm ở cấp nào, ngành nào.

Đồng tình, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao Nguyễn Quang Lộc phân tích: Luật phải chỉ ra được vi phạm trong quản lý kinh tế là vi phạm nào chứ không thể nói chung chung. Bởi lẽ quản lý kinh tế hết sức đa dạng, mỗi vi phạm có tác động đến xã hội khác nhau, mức độ nguy hiểm khác nhau nên phải có khung hình phạt, chế tài khác nhau.

Mặt khác, tội danh này như một cái “túi gom tội”, nghĩa là khi cơ quan tố tụng không khép nghi phạm được vào tội danh cụ thể nào khác thì vận dụng tội này. “Điều này chẳng khác gì không chứng minh được tội giết người thì chuyển sang tội cố ý gây thương tích; không chứng minh được tội cố ý gây thương tích thì chuyển sang tội gây rối trật tự công cộng. Như vậy là không đảm bảo khách quan, đúng người, đúng tội” - ông Lộc nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, một thẩm phán TAND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết thực tế có nhiều vụ có dấu hiệu tham ô nhưng cơ quan tố tụng không chứng minh được nên vận dụng tội cố ý làm trái...

tội phạm

Một phiên xét xử mà các bị cáo bị truy tố về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: HTD

Cụ thể hóa vi phạm phổ biến

Ở góc nhìn khác, TS Lê Đăng Doanh (ĐH Luật Hà Nội) băn khoăn: Nếu bỏ tội danh này thì sẽ không còn điều luật nào để truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng nhưng lại không có việc chiếm đoạt tài sản, không có động cơ vụ lợi cá nhân khác. Mà nếu không xử lý hình sự thì chẳng khác nào dung túng cho cán bộ làm sai, không thu hồi được tài sản hay khắc phục hậu quả.

Từ đó, TS Doanh cho rằng nếu bỏ tội cố ý làm trái… thì dự thảo BLHS (sửa đổi) cần phải cụ thể hóa hành vi khách quan của tội phạm này thành các tội phạm khác nhau, trước hết là những hành vi cố ý làm trái phổ biến (ví dụ, tội cố ý làm trái quy định về mua sắm tài sản công…). Không cụ thể hóa như vậy thì sẽ tạo khoảng trống rất lớn mà người có chức vụ, quyền hạn sẽ lợi dụng.

Tạo hành lang pháp lý phát triển kinh tế

Dự thảo BLHS (sửa đổi) cũng bỏ các tội kinh doanh trái phép, tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàn, việc bỏ các tội này là phù hợp để tạo hành lang pháp lý phát triển kinh tế. Bà Lê Thị Vân Anh (Vụ Pháp luật hình sự-hành chính, Bộ Tư pháp) bổ sung: Để nền kinh tế thị trường phát triển lành mạnh thì cần khai thác mọi tiềm năng sẵn có và phát huy hết nguồn lực của mỗi cá nhân, tổ chức. Muốn vậy thì Nhà nước phải xây dựng hành lang pháp lý để người dân được quyền làm những điều mà luật không cấm, doanh nghiệp yên tâm đầu tư...

TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng hiện nay chúng ta đã có Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Hai luật này cho thấy quyền kinh doanh đã được mở rộng, thông thoáng, dễ dàng. Hơn nữa, để khuyến khích, tạo tâm lý tốt cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư kinh doanh thì nên bỏ tội kinh doanh trái phép.

Rào cản lớn

Tội cố ý làm trái… là cái túi để xử lý tất cả trường hợp mà cơ quan tố tụng không thể hoặc không muốn xử lý người phạm tội về những tội phạm khác. Điều này đã làm cho mọi cá nhân, tổ chức không dám đi đầu, phát huy sáng kiến thúc đẩy sản xuất kinh doanh vì sợ vướng vào tội này. Điều này càng nghiêm trọng hơn khi hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế của ta đang trong quá trình hoàn thiện, tính ổn định không cao. Do đó việc tiếp tục duy trì tội này là một rào cản rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế, là cơ sở để cơ quan tố tụng áp dụng nguyên tắc tương tự trong tố tụng hình sự, vốn là điều cấm kỵ trong một nền tư pháp hiện đại.

Bà LÊ THỊ VÂN ANH, Vụ Pháp luật hình sự-hành chính,

Bộ Tư pháp

Dương Hằng

Theo Pháp luật TP.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,078

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]