Ông Mai Đức Chính:" Lúc nào cũng nói người lao động là vốn quý của doanh nghiệp, thế nhưng khi nói tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 lại cò kè với người lao động cả 50 ngàn đồng" - Ảnh: Văn Duẩn
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã phát biểu gay gắt như vậy tại Hội thảo tiền lương, thu nhập, mức sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) trong các doanh nghiệp (DN) do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức sáng 13-8, tại Hà Nội.
Ông Mai Đức Chính khẳng định NLĐ cần DN và ngược lại DN cũng cần NLĐ. Tổ chức công đoàn cũng rất chia sẻ với DN, tuy nhiên hiện nay NLĐ đang quá khổ.
Theo ông Chính, đến nay Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn kiên quyết bảo lưu quan điểm của mình với mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng từ 350.000-550.000 đồng cho các vùng. "Năm ngoái kinh tế khó khăn, chúng ta tăng được 400 ngàn đồng thì năm nay kinh tế khá hơn thì không lý gì tăng thấp hơn" - ông Chính nói.
“Chúng tôi bảo vệ quan điểm của mình cũng là để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ. Lúc nào cũng nói NLĐ là vốn quý của DN, thế nhưng khi tăng lương lại cò kè với người lao động cả 50 ngàn đồng. Vậy vốn quý ở chỗ nào. Đây chỉ là những lời sáo rỗng” - ông Chính bức xúc.
PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, đánh giá những số liệu về tình hình tiền lương, thu nhập, mức sống tối thiểu của NLĐ tại các DN trong 6 tháng đầu năm 2015 được công bố tại cuộc hội thảo khoa học này là những con số “nóng bỏng nhất, thật nhất, mới nhất về tình hình đời sống của công nhân lao động qua minh chứng thực tế qua điều tra, khảo sát một cách khoa học, kỹ lưỡng từ các địa phương, các ngành, các DN”.
Về “tình cảnh” của công nhân lao động Việt Nam hiện nay, ông Thọ đã phải dùng từ “vất vưởng” khi ông cho rằng hiện đa số công nhân lao động đang phải sống một cuộc sống với mức lương rẻ mạt và không đảm bảo mức sống tối thiểu cần có.
Bà Phạm Thị Bích Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH ToTo Việt Nam, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), khẳng định mức lương tối thiểu 3,1 triệu đồng ở vùng 1 hiện nay là không đảm bảo mức sống cho công nhân. Nhu cầu thiết yếu nhất để duy trì cuộc sống, thì nhóm độc thân thì cũng phải tiêu 4,1 triệu đồng/tháng.
Cuộc hội thảo nóng lên khi ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, bộc bạch “Hôm nay cho phép tôi nói thật về tình hình đời sống của công nhân lao động ở Hà Nội”.
Theo ông Thắng, TP Hà Nội hiện có 9 khu công nghiệp - khu chế xuất với hơn 140 ngàn công nhân, thu nhập bình quân trên 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Thắng cho rằng hiện nay mức lương tối thiểu vùng quá thấp, không đảm bảo mức sống tối thiểu, mức lương chỉ đáp ứng được 60-65% mức sống tối thiểu. Dẫn ví dụ ở Khu công nghiệp Thăng Long, ông Thắng cho biết nơi đây có khoảng 60 ngàn công nhân, phần lớn đều trọ tại xã Kim Chung, Đông Anh, nhưng nơi đây rất thiếu nhà trẻ, mẫu giáo. Phần lớn công nhân không có hộ khẩu tại Hà Nội nên phải gửi con học trường tư với chi phí rất đắt.
“Gửi con từ 6 tháng tuổi hết 2,5 triệu đồng/tháng; gửi con từ 1 tuổi trở lên hết 2 triệu đồng/tháng. Nhiều chị em công nhân bật khóc khi nói về con cái khi phải gửi con về quê cho ông bà trông dùm vì không có đủ tiền gửi con ở gần nơi làm việc. Chúng tôi cảm thấy rất đau lòng” - ông Thắng nói.
Về tiền thuê nhà trọ, ở Hà Nội thì có duy nhất 1 khu nhà ở công nhân, NLĐ ở xã Kim Chung do TP xây dựng, đảm bảo được 12.000 chỗ ở do thành phố đầu tư, ngoài ra có vài công ty cũng xây dựng chỗ ở cho công nhân, đáp ứng được khoảng hơn 3.000 công nhân. Vì vậy phần lớn công nhân phải thuê nhà với giá rất cao, ví dụ thuê ở khu thôn Bầu, xã Kim Chung, phòng 10-12m2 giá 700 ngàn đồng/tháng; nước giếng khoan 60-80 ngàn đồng/người/tháng. Tiền điện, nước, tiền nhà tăng; tiền chợ cũng tăng nên đã làm xáo trộn rất nhiều cuộc sống của công nhân. Nhiều anh, chị, em đã phải làm thêm giờ để tăng thu nhập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
“Vì vậy tôi rất đồng tình và ủng hộ phương án tăng 16% của Tổng Liên đoàn. Qua trao đổi với nhiều lãnh đạo DN, họ đều cho rằng phương án này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN” - ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, công nhân giờ sống rất khổ sở. Mình nói gì, làm gì thì phải thử đặt mình vào hoàn cảnh ấy, xem mình có sống được không. Chúng ta hãy đến khu nhà trọ công nhân vào mỗi buổi chiều, khi họ tan ca và đi chợ. “Họ chỉ dám mua quả trứng, miếng đậu phụ, mớ rau, quả cà để về ăn. Thương lắm các đồng chí ạ” - ông Thắng bày tỏ.
Tăng lương không gây đột biến về chi phí cho DN Cuộc khảo sát do Viện Công nhân Công đoàn, Ban Quan hệ Lao động phối hợp với LĐLĐ 10 tỉnh, TP lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Hải Dương, Vĩnh Phúc… tại 60 DN tại 4 vùng với 1600 phiếu hỏi. Theo báo cáo của các cấp công đoàn, đến tháng 4-2015, sau khi triển khai thực hiện Nghị định 103/2014/NĐ-CP về điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong các DN, số DN (có công đoàn) thuộc diện phải điều chỉnh đã thực hiện đạt 85 – 90% . Mức lương tối thiểu năm 2015, bình quân các vùng tăng 14,3% so với năm 2014, nhưng tỷ lệ tiền lương thực tế tương ứng của NLĐ trong các DN tăng khoảng 12% (không gây đột biến về chi phí cho DN). Với mức tăng 14,3% (từ 250 – 400 ngàn đồng), tuy chưa đáp ứng được kỳ vọng của NLĐ và chưa bảo đảm mức sống tối thiểu (năm 2015 mới đáp ứng 78 – 83%). Song NLĐ, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và FDI được hưởng lợi nhiều khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Tiền lương cơ bản tăng, giúp họ yên tâm làm việc, tăng năng suất lao động, ổn định cuộc sống. Đồng thời mức đóng bảo hiểm xã hội tăng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ. - 74,5% ý kiến NLĐ cho biết DN đã điều chỉnh lương tối thiểu năm 2015; 13,6% cho biết chưa điều chỉnh và 11,8% NLĐ không biết DN có điều chỉnh hay không. - Về mức điều chỉnh lương tối thiểu năm 2015: 38,3% NLĐ cho biết là mức tăng phù hợp; 39,7% cho rằng tăng còn thấp; 1,4% đánh giá mức tăng là cao. - Hầu hết các DN khi điều chỉnh lương tối thiểu không cần cắt giảm các chế độ khác của NLĐ. Cụ thể: 68,6% NLĐ cho biết họ không bị cắt giảm; 8,3% cho biết có bị cắt giảm; 15,8% không rõ có bị cắt hay không. - Tiền lương trung bình (theo thời gian và khoán sản phẩm theo giờ chuẩn quy định) là 3,8 triệu đồng/tháng. - Mức chi tiêu trung bình của NLĐ có nuôi con là 4,24 triệu đồng/tháng. - 19,9% cho biết thu nhập không đủ sống; 31,3% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm; 40,7% vừa đủ trang trải và chỉ có 8% chi biết có tích lũy. |
Văn Duẩn
Theo Người lao động