Ảnh minh họa |
Cụ thể, ngoài các quy định chung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, nguyên tắc áp dụng giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp, Nghị định mới còn quy định cơ chế phối hợp liên thông điện tử tự động giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế thông qua quy trình tạo và sử dụng mã số doanh nghiệp.
Theo đó, mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số
duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số thuế của doanh
nghiệp.
Mã số doanh nghiệp được tạo, gửi, nhận tự động bởi Hệ thống thông tin quốc gia
về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin đăng ký thuế và được ghi trên Giấy
chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước thống nhất
sử dụng mã số doanh nghiệp để quản lý và trao đổi thông tin về doanh nghiệp.
Việc liên thông điện tử tự động giữa Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Hệ thống thông tin đăng ký thuế sẽ góp phần rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tạo thuận lợi hơn nữa cho người thành lập doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.
Rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký xuống còn 3 ngày
Để tạo thuận lợi hơn nữa cho người thành lập doanh nghiệp, Nghị định mới đã bổ sung quy định về Phòng Đăng ký kinh doanh. Theo quy định, Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh.
Một điểm mới nữa của Nghị định này là việc rút ngắn thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và quy định về cơ chế liên thông điện tử giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế. Theo đó, thời hạn để cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được giảm từ 5 ngày làm việc xuống còn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
DN có thể có nhiều con dấu
Nghị định mới cũng bổ sung quy định về hồ sơ thông báo mẫu dấu theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi thông báo mẫu dấu, góp phần cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh của nước ta theo đánh giá của các tổ chức quốc tế. Nghị định mới quy định, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, nội dung và số lượng con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện. Doanh nghiệp có thể có nhiều con dấu với hình thức và nội dung như nhau.
Việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử được kỳ vọng như một công cụ tiện lợi, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, minh bạch hóa công tác đăng ký doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc tiếp nhận và quản lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Do đó, nhằm khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đăng ký thành lập thông qua hình thức này, quy trình đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử tại Nghị định mới được thiết kế theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp. Cụ thể, tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng Tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.
Ngoài ra, Nghị định mới cũng bổ sung một số quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; trình tự, thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp...
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ