Người nghỉ hưu làm thủ tục hưởng bảo hiểm tại Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Thua thiệt đủ đường
Ông Trần Đăng Khoa (68 tuổi, ở Hải Dương) vừa có đơn gửi các cơ quan chức năng nghiên cứu, điều chỉnh chính sách lương, trợ cấp, bảo hiểm với đối tượng bị TNLĐ, BNN cho hợp lý hơn. Trong đơn, ông Khoa cho biết, trước đây ông và vợ là công nhân nhà nước, năm 1968 ông bị TNLĐ phải cắt 1 chân, thương tật 45%.
Năm 1974, ông được cơ quan cho nghỉ mất sức lao động 72% và hưởng trợ cấp mất sức 1 lần, trợ cấp thương tật hằng tháng. Vợ ông (năm nay 67 tuổi), cũng làm công nhân nhà nước như ông, nhưng năm bà 39 tuổi, đang làm việc bị tai biến liệt nửa người phải nghỉ việc và hưởng chế độ trợ cấp mất sức lao động.
Theo ông Khoa, hơn 10 năm trước, tiền trợ cấp thương tật của ông bằng mức trợ cấp mất sức lao động của vợ. Tuy nhiên, qua khoảng 6 lần tăng lương hưu và trợ cấp mất sức lao động, trong khi những người bị TNLĐ, BNN lại không được điều chỉnh tăng trợ cấp. Vì vậy, hiện tiền trợ cấp của vợ ông Khoa cao gấp đôi mức trợ cấp thương tật của ông (ông Khoa được trợ cấp thương tật 800 nghìn đồng/tháng, còn trợ cấp mất sức của vợ ông được 1,6 triệu đồng/tháng).
“Tại sao tôi và những đối tượng TNLĐ, BNN lại không được tăng trợ cấp theo các lần tăng lương hưu? Mức trợ cấp của họ quá thấp, trong khi không còn khả năng lao động.”, ông Khoa viết. Theo ông Khoa, người bị TNLĐ, BNN là những người khổ đau, thiệt thòi nhất cần được quan tâm, động viên, hỗ trợ từ xã hội. Do đó, ông Khoa cho rằng, chỉ cần giảm tăng cho 1 người có lương hưu cao, sẽ tăng lương, trợ cấp cho 10 người có lương hưu, trợ cấp thấp.
Không chỉ trợ cấp hằng tháng không được tăng theo các lần tăng lương hưu, ông Khoa cho biết, chế độ bảo hiểm y tế của những người TNLĐ, BNN cũng chỉ được bảo hiểm chi trả 80%, số còn lại, họ phải bỏ ra. Đồng thời, những người bị cụt chân (như ông), cụt tay chỉ được nhà nước hỗ trợ một nửa tiền trang bị chân, tay giả. Ngoài ra, giá định mức chân giả của Bộ LĐ-TB&XH quy định chỉ 1,48 triệu đồng/chiếc, trong khi ông Khoa mua chân giả tại nơi sản xuất đã là 3 triệu đồng/chiếc.
Ông Khoa đề nghị các cơ quan chức năng xem xét lại chính sách, cho ông và những người TNLĐ, BNN được điều chỉnh tăng trợ cấp hằng tháng bù trượt giá (kể cả những lần chưa được điều chỉnh tăng theo lương hưu). Đồng thời, nâng mức hỗ trợ theo giá thiết bị hiện hành tại nơi sản xuất để những người cụt tay, cụt chân được làm lại chân tay giả, với thủ tục đơn giản.
Đóng góp nhiều hơn, lương hưu thấp hơn
Trong khi đó, bà Nguyễn Lệ Dung (ở Bình Dương) phản ánh bất cập trong việc tăng lương hưu của người nghỉ trước và sau ngày 1/1/2015. Bà Dung tính toán, những người cùng thời gian công tác, mức đóng bảo hiểm như nhau, nhưng thời gian nghỉ hưu cách nhau có vài, ngày nghỉ hưu trước có lương hưu cao hơn 8% mỗi tháng so với người nghỉ sau.
Thậm chí, người nghỉ hưu năm 2015 còn có thời gian công tác và đóng bảo hiểm lâu hơn người nghỉ hưu trước (nghỉ hưu từ đầu năm 2014). Lý do, theo bà Dung, người nghỉ hưu trước ngày 1/1/2015 được điều chỉnh tăng lương hưu thêm 8% từ đầu năm 2015 (theo Nghị định 09/2015), trong khi những người nghỉ hưu sau đó vẫn chưa được tăng tương ứng.
Để có sự công bằng, bà Dung đề xuất cơ quan chức năng trước mắt nên tăng bù lương hưu cho những người nghỉ sau ngày 1/1/2015 (chưa được tăng theo Nghị định 09); sau đó mới tăng lương hưu đồng loạt cho tất cả các đối tượng. Ngoài ra, bà Dung cũng đề nghị nhà nước có chính sách với người nghỉ hưu trước năm 1993, vì đối tượng này có lương hưu rất thấp, lại làm việc khi đất nước còn khó khăn nên cần có chính sách hỗ trợ.
Một lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, với người hưởng lương hưu mức 5-6 triệu đồng/tháng, mức chênh lệch 8% không hẳn là lớn. Tuy nhiên, sự chênh lệch đó làm xuất hiện tâm lý so bì giữa những người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng (kể cả trong gia đình, chưa nói tới ngoài xã hội).
Sự so sánh này sẽ ngày càng lớn và sự mất công bằng cũng đáng kể hơn khi nhiều người đang có mức lương hưu rất cao (trên 10 triệu đồng/tháng) cũng được điều chỉnh tăng 8% từ đầu năm 2015. Do đó, vị lãnh đạo này kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đảm bảo công bằng và quyền lợi người lao động.
Đầu tháng 9, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra dự kiến 2 phương án tăng lương với người có lương hưu thấp từ đầu năm 2016. Theo đó, một phương án chỉ tăng lương với người nghỉ hưu trước tháng 4/1993, phương án còn lại tăng lương hưu với tất cả các đối tượng nghỉ trước và sau tháng 4/1993. Tuy nhiên, cả 2 phương án này đều không đề cập tới việc tăng trợ cấp cho đối tượng TNLĐ, BNN và người nghỉ hưu sau ngày 1/1/2015.
Hai phương án dự kiến tăng lương hưu từ đầu năm 2016 của Bộ LĐ-TB&XH gồm: Tăng lương hưu thêm 250.000 đồng/tháng với người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 có mức dưới 2 triệu đồng/tháng; tăng 150.000 đồng/tháng với người hưởng trợ cấp mất sức lao động có mức trợ cấp dưới 2 triệu đồng/người/tháng. Với phương án còn lại, tăng lương hưu: Thêm 250.000 đồng/tháng đối với người nghỉ hưu trước và sau tháng 4/1993 ở mức dưới 2 triệu đồng/tháng; thêm 150.000 đồng/tháng với người hưởng trợ cấp mất sức lao động và cán bộ xã có mức trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng. |
Theo Tiền phong