Theo chương trình kỳ họp, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các đại biểu Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày “Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016” .
Tiếp đó, Quốc hội sẽ nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày.
Các đại biểu sẽ nghe Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và khái quát kết quả 5 năm 2011-2015; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Theo thông tin từ Văn phòng Quốc hội, dự kiến, Quốc hội sẽ dành 19/31 ngày làm việc của kỳ họp thứ 10 để thảo luận, xem xét, thông qua 18 luật, 14 nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ dành 12 ngày làm việc để thảo luận, xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2015 và kế hoạch năm 2016; đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020…
Nét mới tại kỳ họp lần này là việc tất cả các thành viên Chính phủ sẽ có mặt trong 2,5 ngày thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp vào giữa tháng 11.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thực hiện chất vấn các vấn đề liên quan tới lĩnh vực tư pháp trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII với sự tham gia của lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này.
Xuân Tuyến
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ