Nhắc đến người con trai “ở tù nhiều hơn ở nhà”, bà Trinh trầm ngâm hồi lâu rồi tâm sự. “Nhựt là con thứ năm trong nhà, nó chỉ mới học tới lớp 5 đã bỏ, rồi đi làm mướn, nó nhiều lần bị người ta đánh vào đầu, trên đầu vẫn còn nhiều vết sẹo, nên thần kinh nó có thể bị ảnh hưởng. Vợ chồng nó cũng đã ly hôn từ lâu rồi, đứa con gái của nó năm nay 10 tuổi nhưng chỉ nặng có 14kg đang ở với bà ngoại, ngoan ngoãn và học giỏi lắm…”
Bà Trinh còn kể, mỗi lần bà và mấy đứa con gái, con rể đi thăm Nhựt toàn phải trốn đi vì ông Hồng nhất quyết không cho đi. “Ông Hồng tính nóng như lửa, mười mấy năm trước có lần ông ấy uống rượu, tôi cự nự thì ông đánh tôi đến mức gãy be sườn luôn đó. Hay thằng Nhựt mỗi lần gây chuyện là ông ấy đánh con mà khi chở đến nhà thương, bác sĩ thấy vết thương đã phải hỏi tôi rằng ông ấy là cha ruột hay cha ghẻ của nó. Những lần ông ấy đánh con, hàng xóm đều khiếp sợ, nhưng cũng vì nó chơi bời, gây chuyện hoài, ông ấy nói nó không nghe…”.
Bà Trinh chỉ biết chuyện con mình gây ra cái chết cho người hàng xóm cách nay mấy tháng khi bà đã tương đối ổn định sức khỏe, vì ngay sau buổi sáng bà được đưa lên TP.HCM mổ tim thì trong buổi tối hôm đó con bà phạm tội. “Tôi nghe kể lại thôi vì lúc đó tôi còn đang mổ tim ở thành phố. Con tôi bữa đó nhậu xỉn quá, chỉ đánh ông Nguyễn Văn C (66 tuổi) có một cái thôi nhưng vì bình thường ông ấy đã mang bệnh, sức khỏe yếu nên mới xảy ra cơ sự… Mọi người trong nhà giấu tôi mấy tháng trời đâu có ai cho tôi hay đâu, mãi sau này tôi mới biết. Tôi đau khổ và khóc suốt đến nỗi mọi người bảo tôi cứ khóc kiểu này rồi cũng chết sớm thôi. Mà nhiều lúc tôi cũng muốn chết sớm để không còn phải chịu khổ sở như thế này nữa, nhà quá nghèo, nhà cửa thì hư hỏng gần hết rồi, cứ giông lớn là phập phồng lo sợ, mà tôi lại bệnh tật suốt nên kéo theo nợ nần đầm đìa, con cái thì vào tù ra tội…”, bà khóc nấc lên.
Chứng kiến cảnh người mẹ khóc thương cho số phận của mình như vậy có lẽ không ai có thể cầm lòng được. Sau hai lần đi mổ (lần đầu mổ u ở bụng, lần hai mổ tim), trên người bà Trinh là những vết mổ dài từ trên ngực xuống dưới bụng, sức khỏe của bà rất yếu, chỉ đi lại quanh quẩn trong nhà… Theo lời bà thì mấy người con gái đứa nào cũng nghèo nhưng rất hiếu thảo với cha mẹ, bà nằm viện mà chúng thay nhau lo lắng, chăm sóc bà chu đáo, con gái được vậy mà thằng con trai thì… bà bỏ lửng câu nói của mình.
Đứa con hư hỏng đã biết điều hay lẽ phải?
Đúng lúc này ông Hồng cũng vừa về tới nhà. Vừa nghe chúng tôi hỏi, ông nói ngay: “Đúng là tôi đã viết lá đơn đó trên giấy học sinh, do tôi không có trình độ nên nội dung rất ngắn, nhưng có lẽ lúc đó vì tôi giận quá mất khôn, nói hoài nó không nghe lời, còn gây chuyện tày đình làm cho gia đình tôi mang tai tiếng, mất uy tín với làng xóm láng giềng nên tôi mới làm thế, chứ nói thật làm cha mẹ ai mà không thương con, ai lại muốn con mình phải chết đâu. Bây giờ tôi cũng chỉ mong nó chú tâm cải tạo, hết hạn tù thì về với gia đình là tốt rồi”.
Cũng theo ông Hồng thì bình thường Nhựt không sao, nhưng cứ nhậu vào là y rằng có chuyện xảy ra. Ông kể có lần Nhựt bị người ta đánh nằm xỉu ngoài lề đường, Công an gọi báo cho ông tới đưa con đi bệnh viện, nhưng ông nhất quyết không đi… Những người đó đành phải tự chở Nhựt đi cấp cứu… Sau lần đầu con ông bị đi tù 6 tháng vì tội ăn trộm, ông đã “thề độc” trước mặt con rằng nếu sau này nó còn bị đi tù nữa ông sẽ không bao giờ vào thăm nó, nếu đi thăm thì ông… sẽ bị xe đụng!
Nghe ông nói những điều này, chúng tôi không tránh khỏi suy nghĩ đúng như lời vợ ông đã nói, tính nỏng nảy cực độ của ông có lẽ đã phần nào làm cho mối quan hệ của cha con ông không được bình thường như nhiều gia đình khác, cộng với sự ngang tàng, quậy phá, hỗn hào của con trai ông, đã dẫn đến những bị kịch cho gia đình ông chăng (?!).
Hỏi thẳng ông về những suy nghĩ này, ông trầm ngâm và không trả lời trực tiếp vào nội dung câu hỏi, nhưng ông bộc bạch, hồi đó vợ chồng ông có chiếc ghe nên đi làm suốt, ở nhà con trai ông đã tụ tập với bạn bè ngoài xóm rồi ăn nhậu liên tục, mười mấy tuổi Nhựt đã theo bạn bè chơi bời, có khi mấy ngày trời không về nhà…, ông đã đánh con những trận đòn thừa sống thiếu chết chỉ mong con sợ mà tu dưỡng, vậy nhưng trái với mong muốn của ông, con trai ông chỉ nghe lời bạn bè tiếp tục ăn chơi, quậy phá…
Nói đến đây, ông nhìn xa xăm bảo, chắc chỉ khoảng 10 năm nữa là xong xuôi thôi. Tưởng ông nói về thời hạn tù của con ông, nhưng ông xua tay “tôi nói vợ chồng tôi đấy chứ, chắc cũng chỉ sống được trên dưới 10 năm nữa rồi “về quê” với ông bà thôi, chứ cứ như tình cảnh này thấy chán lắm. Giờ chúng tôi già cả hết rồi, bà ấy bệnh tật nặng đâu có làm được gì, còn tôi thì lây lất có mỗi miếng vườn 3 công đất ở nhà. Chuyện bồi thường tôi cũng đã nói rồi, sau khi ở tù xong nó về “mần việc” kiếm tiền trả cho người ta, chứ vợ chồng tôi giờ chẳng làm gì ra tiền cả, mà còn đang nợ đầm đìa đây, tiền đâu mà trả”.
Chia tay vợ chồng ông Hồng, chúng tôi tìm đến Trại giam Kênh 5 (Tổng cục Cảnh sát hình sự và Hỗ trợ tư pháp) ở xã Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh, để gặp Nhựt. Điều gây ngạc nhiên vô cùng cho chúng tôi là Nhựt ăn nói hết sức nhẹ nhàng và lễ phép. Một giám thị ở đây cho biết, sau quá trình cải tạo gần 2 năm qua, Nhựt đã có những thay đổi trong hành động và suy nghĩ rất tích cực và đáng khen.
Kể lại câu chuyện xảy ra dẫn đến bản án13 năm tù, Nhựt cúi đầu nói: “Bữa đó tôi xỉn quá, rồi có nói qua lại với ông già tôi (Nhựt gọi ba mình là ông già), ông già đã chọi chiếc ghế vào tôi nên tôi rất giận dữ, trong khi đó ông già bên cạnh (ông C.) xen vào chuyện gia đình của tôi, do không kiềm chế được nên tôi đã đánh vào gáy của ông ta. Tôi không hề có ý muốn đánh chết ông ấy…”.
Thời gian đầu phải thi hành án tù, Nhựt tỏ ra bất cần, không nghe lời ai, cải tạo không tốt… nhưng sau một thời gian, Nhựt đã gần như thay đổi hoàn toàn. Hỏi lý do, Nhựt bảo: “Hồi mới vô đây, tôi thấy nhà chẳng ai quan tâm, nên chán nản, cải tạo chưa tốt. Nhưng qua một thời gian, được các giám thị cho học nội quy rồi phân tích, giảng giải cho cách sống, cách cư xử, nên tôi đã nhận ra nhiều thứ. Ngoài ra tôi cũng suy nghĩ vì thấy hoàn cảnh gia đình mình nghèo khổ, khó khăn, không thăm nuôi được thường xuyên, nên tôi đã cố gắng hoàn thành công việc chỉ tiêu được giao hàng ngày, hơn nữa còn làm vượt mức để được thưởng, để trại thấy tôi cải tạo tốt, và tôi cũng hứa luôn cải tạo tốt để được sớm trở về làm ăn kiếm tiền lo cho con, cho mẹ già”.
Nói chuyện với Nhựt, chúng tôi mới biết việc người cha viết đơn xin tử hình mình Nhựt không hề biết và điều rất đáng suy nghĩ là trong suốt câu chuyện, Nhựt có vẻ tránh nhắc đến cha mình, chỉ khi được hỏi Nhựt mới trả lời. Nhựt bảo: “Ông già tính cộc lắm, trước đây tôi sai ông không chỉ dạy gì cả, cứ gặp đâu là ông đánh, thấy gì là ông chọi vào tôi. Đúng ra thì hồi đó khi tôi nhậu, đừng ai nói gì chắc chẳng có chuyện gì đâu (?!), vì nhậu vào tính tôi không muốn nói với ai, nhậu xong rồi đi ngủ hay uống cà phê vậy thôi… Vậy nhưng, mọi chuyện cũng đã lỡ rồi, tôi với ông già chuyện gì xảy ra rồi thì thôi chứ tôi không để bụng đâu”…
Điều đọng lại sau câu chuyện này có lẽ sẽ khiến nhiều người phải suy ngẫm về những mâu thuẫn, bi kịch gia đình xuất phát từ cách dạy dỗ, trừng phạt ác nghiệt con cái của cha mẹ, từ việc không có sự chia sẻ giữa cha mẹ và con cái… Có thể nói chính sự không quan tâm đúng mức của cha mẹ nên con cái mới theo lời rủ rê của bạn xấu hay chính việc chỉ trừng phạt mà không hề chỉ ra cho con thấy những điều hay lẽ phải sẽ rất dễ dẫn đến những bị kịch gia đình…
Trong lá đơn “độc nhất vô nhị” của mình, ông Hồng đã yêu cầu các cơ quan chức năng “xử tử hình tên Nhựt vì thành phần này còn trên xã hội không có ích”. Lý do mà ông nêu ra là Nhựt đã có vợ và một con gái nhưng không chịu làm ăn, theo bạn bè ăn chơi, nhậu nhẹt be bét, đánh nhau, chửi mắng, không nghe lời cha mẹ, trộm cắp, đã hai lần bị vào tù ra tội với tổng thời gian 42 tháng tù nhưng vẫn không tỉnh ngộ, sau khi được ra tù chỉ mấy tháng Nhựt đã hung hãn đánh chết người.
Vào khoảng 22 giờ ngày 4/1/2010, Nhựt đi nhậu về đến nhà đã có lời qua tiếng lại với cha mình, ông Hồng tức giận đã dùng ghế đẩu ném trúng vào đầu Nhựt làm rách da đầu. Sau đó hai cha con tiếp tục cự cãi nhau nhưng ông Hồng giận quá bỏ đến nhà một người hàng xóm, nhưng Nhựt vẫn tiếp tục đi theo cự cãi, chửi bới ông Hồng. Thấy vậy, ông C. (ngụ huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, tới tạm trú tại nhà con trai ở gần đó) đã nói “Con cái mà chửi cha mẹ, bắt trói nó lại”. Nghe vậy, Nhựt quay sang cự cãi và dùng tay đánh vào mặt ông C. khiến ông này bỏ chạy. Khoảng 20 phút sau, ông C. quay lại tìm cái bóp đánh rơi, thấy thế Nhựt tiếp tục rượt đánh làm ông ngã gục tại chỗ, sau đó ông C. đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Trước khi bị tuyên án (vào tháng 9/2010) 13 năm tù, Nhựt đã có hai tiền án: Vào năm 2003, Nhựt bị xử phạt 6 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”; năm 2006 bị xử phạt 36 tháng tù về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”…
Theo Cảnh sát toàn cầu