Năm 19 tuổi, chị Đỗ Thị Yến kết hôn với người đàn ông cùng thôn tên Nguyễn Văn Mưu. Những ngày đầu, cuộc sống của đôi vợ chồng ở ngoại thành Hà Nội diễn ra êm ấm.
Hạnh phúc của đôi uyên ương chẳng được lâu thì mâu thuẫn nảy sinh do cách xưng hô, vai vế khi chú ruột của anh Mưu lấy chị họ của Yến. Trong gia đình nhà chồng, chị Yến gọi chị họ là thím. Lúc về bên ngoại, hai người lại xưng chị em.
Bố mẹ anh Mưu biết chuyện không chấp nhận việc xưng hô ngang hàng của con dâu. Quan hệ giữa chị Yến với nhà chồng ngày càng căng thẳng. Lúc mang thai được 4 tháng, trong cơn tức tưởi, cô đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ khi mới bước chân về nhà chồng chưa tròn 50 ngày.
Sau khi sinh con, nghe nhiều người khuyên can, chị Yến cố hàn gắn quan hệ với chồng và gia đình anh này, ôm con về chung sống. Nhưng mâu thuẫn của hai vợ chồng vẫn tiếp diễn. Một lần nữa, Yến bế con rời nhà chồng.
Sau 4 năm kết hôn, anh Mưu làm đơn ly hôn, gửi đến TAND huyện Chương Mỹ. Do chị Yến đang có thai con thứ hai nên tòa chưa xem xét yêu cầu này. Trong thời gian này, Mưu đến với người đàn bà khác ở làng bên.
Họ tổ chức cưới và anh Mưu đưa người vợ không hôn thú về nhà ở. Khi con riêng của anh Mưu ra đời, cũng là lúc "giọt nước làm tràn ly", chị Yến tố cáo với chính quyền về việc chồng vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Anh Mưu bị xử phạt hành chính.
Sau đó, anh này vẫn tiếp tục ăn ở với “vợ hai”. Chị Yến lại tố cáo việc ngoại tình của chồng. Cơ quan điều tra Công an huyện Chương Mỹ sau đó khởi tố Mưu về tội vi phạm chế độ một vợ một chồng (theo điều 147 Bộ luật Hình sự). Ngày 19/8, hai tháng sau khi họ ly hôn, TAND huyện Chương Mỹ tuyên phạt anh Mưu 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội danh này.
Chị Yến kháng cáo, đề nghị áp dụng mức án tù giam với bị cáo. Cuối tháng 10, phiên phúc thẩm được mở tại TAND Hà Nội. Phiên phúc thẩm diễn ra chóng vánh chưa đầy 30 phút, anh Mưu không trình bày gì nhiều, chỉ đồng ý thực hiện nghĩa vụ của người cha chu cấp tiền nuôi 2 con chung với chị Yến. Anh chấp nhận hình phạt của tòa án và cho biết đã kết hôn lần thứ hai.
Nhận định không có căn cứ để chuyển hình phạt tù không cải tạo áp dụng với anh Mưu thành tù giam như chống án của chị Yến, cấp phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm.
Ngày 26/10, trao đổi với VnExpress.net, chủ tọa phiên xử cho biết việc xử lý hình sự người có hành vi ngoại tình là rất hiếm. Chị Yến tâm sự rất đau buồn vì bị chồng ruồng bỏ. Người vợ trẻ đã cố gắng nhẫn nhịn, mong hàn gắn quan hệ tình cảm song đành bất lực. Nếu anh Mưu ăn ở với người tình tại một nơi khác, chị cũng đành khuất mắt trông coi, nhưng lại ngang nhiên đem về nhà chung sống, khiến chị không thể chịu nổi lời ra tiếng vào. Bởi thế, chị muốn sự việc được giải quyết tận cùng bằng pháp luật
Vị thẩm phán giải thích với tội danh vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, án tù giam chỉ áp dụng khi bị cáo gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như khiến vợ tự tử, hoặc làm điều gì đó dại dột… Còn trong câu chuyện của gia đình chị Yến thì hậu quả chưa đến mức đó.
Theo nhiều chuyên gia pháp lý, việc ngoại tình trong xã hội ngày nay không còn là chuyện hiếm. Tuy nhiên, người có quan hệ bất chính phải có một trong hai căn cứ sau thì mới bị xử lý hình sự. Thứ nhất, hành vi của họ gây hậu quả nghiêm trọng như làm cho gia đình tan vỡ dẫn đến ly hôn hoặc dẫn đến việc tự sát của người vợ hoặc người chồng hoặc con của người phạm tội hoặc dẫn đến việc phạm pháp khác do ghen như cố ý gây thương tích… Thứ hai, việc vi phạm chế độ một vợ một chồng vẫn tiếp tục sau khi họ đã bị phạt hành chính về việc này.
Luật quy định, hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác là trường hợp đôi bên trai gái hoặc đã tổ chức đám cưới theo tục lệ hoặc đã có giấy đăng ký kết hôn (giả mạo giấy tờ chưa vợ hoặc chưa chồng để được đăng ký) hay tuy không đăng ký kết hôn nhưng đã chung sống với nhau, tự coi nhau là vợ chồng trước gia đình và mọi người, thường được biểu hiện bằng việc có con chung, có tài sản chung, đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn duy trì mối quan hệ đó.
Điều 147 Bộ luật Hình sự: Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng 1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. 2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. |
Việt Dũng