31/10/2011 08:42 AM

Từ năm 2007, TANDTC đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương thành lập Tòa án Hôn nhân và gia đình và đã được đồng ý. Tuy nhiên đến nay, sau gần 5 năm, mặc dù được đánh giá rất cần thiết, tòa án chuyên trách này vẫn đang nằm trên giấy.

Án phức tạp, thẩm phán kiêm nhiệm

Theo số liệu của các cơ quan tư pháp, những năm gần đây, các vụ việc về hôn nhân, gia đình (HN&GĐ) ngày càng tăng và diễn biến phức tạp. Từ năm 2003 đến tháng 8/2006, tòa án cấp huyện và tỉnh thụ lý hơn 113.600 vụ về HN&GĐ.

Trong quá trình giải quyết các vụ án về HN&GĐ, yếu tố tình cảm, đạo đức, truyền thống của dân tộc luôn “xuất hiện và có ý nghĩa quyết định” bên cạnh việc tuân thủ các qui định của pháp luật.

Tuy nhiên, hệ thống tòa án hiện hành chưa có tòa chuyên trách giải quyết các vụ việc về HN&GĐ, mà giao chung vào thẩm quyền của Tòa Dân sự. Qui trình giải quyết các vụ việc gia đình cũng giống như giải quyết các vụ án dân sự khác, mà không  quan tâm đến những đặc thù trong quan hệ gia đình. Các thẩm phán và cán bộ tòa án cũng không được phân công chuyên trách thụ lý, giải quyết các vụ việc về HN&GĐ, mà phải kiêm nhiệm, thụ lý nhiều vụ việc dân sự khác nên chất lượng giải quyết các vụ việc về gia đình tại tòa án còn nhiều mặt hạn chế.

Thực tế cho thấy, những vụ tranh chấp về tài sản khi ly hôn, tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân luôn là những vụ án phức tạp và chiếm số lượng lớn so với tổng số các vụ án HN&GĐ mà TAND các cấp thụ lý giải quyết.

Cần tòa chuyên trách

Do đó, việc thành lập Tòa gia đình cần phải được nghiên cứu, xem xét cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và đặc thù của từng quan hệ pháp luật cụ thể.

Năm 2007, TANDTC đã trình UBTVQH về chủ trương thành lập Tòa HN&GĐ thuộc cơ cấu tổ chức của TANDTC và TAND cấp tỉnh và đã được đồng ý, song chưa có sự thống nhất về lộ trình thực hiện. Mới đây nhất, TANDTC và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam một lần nữa đã đưa vấn đề thành lập tòa HN&GĐ ra tham vấn.

Việc thành lập Tòa HN&GĐ đã được xác định là cần thiết, tuy nhiên cần được giải quyết đồng bộ trong tiến trình cải cách tư pháp, chứ không đơn thuần là việc thay đổi về cơ cấu, tổ chức bộ máy trong hệ thống TAND.

Huy Anh

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,213

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]