Nhiều DN dệt may đã phản ánh như trên tại hội thảo về Thông tư 37/2015, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 10-12 ở Hà Nội.
Ông Vũ Quang Tùng, Trưởng phòng xuất khẩu Công ty May Sông Hồng (Nam Định), cho rằng: “Theo Thông tư 37, địa điểm kiểm tra ở cửa khẩu nhập nên thời gian hàng hóa đợi thông quan rất dài, DN phải chịu thêm nhiều chi phí”.
Theo bà Phạm Kiều Oanh - Giám đốc điều hành Tổng Công ty May Nhà Bè, một lô hàng nhập về sản xuất sẽ tốn thêm thời gian và chi phí chờ thông quan (phí thuê kho, bãi trong 2-3 ngày chờ giám định) với mức trung bình 55 USD/shipment và phí kiểm định mẫu vải của Bộ Công Thương 99 USD/shipment.
Một DN khác cũng phàn nàn trung bình một lô hàng cần 3-4 mẫu (có lô bảy mẫu) kiểm tra hàm lượng formaldehyt, amin thơm với phí 1,67 triệu đồng/mẫu vải. Sau đó chờ 3-5 ngày làm việc mới có kết quả, muốn lấy trong ngày phải tốn chi phí 700.000 đồng/mẫu. Mỗi năm công ty tốn gần 3 tỉ đồng cho khâu kiểm tra này.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, đề nghị Bộ Công Thương xem xét, đình chỉ hiệu lực thi hành Thông tư 37. “Nghị quyết 19/CP của Chính phủ yêu cầu chuyển mạnh sang hậu kiểm thì thông tư trên lại yêu cầu kiểm tra ngay tại kho bãi. Do vậy nó không đáp ứng tất cả cũng như từng yêu cầu cụ thể của Nghị quyết 19. Hình như cơ quan soạn thảo và ban hành thông tư đã không căn cứ theo Nghị quyết 19” - ông Cung nói.
TRÀ PHƯƠNG
Theo Báo Pháp luật TP.HCM