Người lao động Việt Nam tranh thủ ngủ tại sân bay trước giờ xuất cảnh. Ảnh: V.H
Khó tránh đóng bảo hiểm 2 lần
Anh Nguyễn Văn Tân (27 tuổi, quê Quảng Xương, Thanh Hóa) sang làm việc cho một doanh nghiệp ô tô tại Nhật Bản được gần 1 năm. Anh Tân kể, để được sang Nhật anh phải vay ngân hàng nộp cho đơn vị môi giới hơn 300 triệu đồng. Sau thời gian làm việc, anh tính tiếp tục đưa vợ sang. “Ở nhà làm đủ thứ việc, nhưng không ổn định, cuộc sống gia đình chật vật. Nên vợ chồng xác định bỏ 3-4 năm đi Nhật làm ăn, khi có vốn rồi về”, anh Tân nói.
Dù là người chịu tác động trực tiếp bởi chính sách BHXH mới từ năm 2016, nhưng khi được hỏi anh Tân ngạc nhiên vì chưa được ai thông báo gì về quy định này. “Bên này công ty cũng có bảo hiểm cho công nhân rồi, giờ lại phải đóng nữa sao? Nợ ngân hàng còn chưa trả xong mà thêm bao nhiêu chi phí. Mình đi 3-4 năm rồi về, cũng không có nhu cầu tham gia bảo hiểm gì”, anh Tân nói.
Theo Nghị định 115/2015 hướng dẫn Luật BHXH 2014, NLĐ đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài bắt buộc phải tham gia BHXH từ 1/1/2016. Cụ thể, gồm: Đi làm việc theo hợp đồng với công ty dịch vụxuất khẩu lao động; đi làm với doanh nghiệp trúng thầu ở nước ngoài; đi thực tập nâng cao tay nghề; đi theo hợp đồng cá nhân. Trừ NLĐ đi làm việc theo công ty trúng thầu quốc tế phải tham gia tất cả hình thức bảo hiểm, 3 nhóm lao động còn lại chỉ đóng BHXH cho chế độ hưu trí và tử tuất. Mức đóng được xác định bằng 22% của 2 lần mức lương cơ sở hiện hành (22% của 2,3 triệu đồng). Khi NLĐ về nước có quyền hưởng BHXH 1 lần, hoặc đóng tiếp.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội (Hanic) - chuyên đưa lao động đi Đài Loan, Malaysia cho biết: NLĐ đi làm ở nước ngoài phải đóng bảo hiểm trong nước sẽ thành đóng BHXH 2 lần, vì công ty sử dụng đã đóng bảo hiểm cho lao động ở nước sở tại. Vì vậy, chúng ta nên tránh chồng chéo, trừ khi NLĐ tự nguyện tham gia.
“Tại một số thị trường, lương của NLĐ cũng không cao. Trong khi đó, bảo hiểm ở nước họ có chế độ chi trả rất tốt, trong khi BHXH Việt Nam rất khó làm được. Vậy tại sao lại bắt NLĐ đóng bảo hiểm 2 lần ở 2 nước”, bà Mai nói. Bà dẫn chứng, như tại Đài Loan, NLĐ Việt Nam được đóng BHXH của họ, khi có người thân (vợ con, bố mẹ) chết sẽ được hỗ trợ hơn 50 triệu đồng. “Việc thu BHXH của NLĐ đi xuất khẩu không khó, nhưng thực hiện để người lao động được gì, đó là vấn đề phải suy nghĩ”, bà Mai nói.
Bà Mai cho rằng, mỗi lao động đi làm ở nước ngoài chỉ khoảng 3 năm, về có làm thủ tục để hưởng bảo hiểm 1 lần hoặc đóng tiếp cũng rất phức tạp. Theo bà Mai, mức đóng BHXH của Việt Nam không hề thấp, giờ bắt NLĐ đóng tới 2 lần bảo hiểm sẽ rất khổ cho họ.
Bảo hiểm có “tận” thu?
Lao động Việt Nam chuẩn bị xuất ngoại. Ảnh: Ngọc Châu
Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc thu BHXH với lao động đi làm ở nước ngoài không phải mới, chỉ mở rộng đối tượng tham gia. Theo đó, trước đây những lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tham gia BHXH trong nước nhưng chưa nhận BHXH 1 lần, sẽ phải tiếp tục tham gia. Luật BHXH 2014 mở rộng thêm đối tượng đi làm ở nước ngoài nhưng trước đây chưa tham gia BHXH trong nước từ năm 2016.
“Để tránh cho lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần, chúng ta đang xúc tiến ký hiệp định tương hỗ về BHXH với một số nước, như Đức, Hàn Quốc. Trước mắt, chưa có hiệp định nào được ký nên NLĐ vẫn đóng bảo hiểm”, bà Nga nói.
Trả lời thắc mắc của Tiền Phong, có ý kiến cho rằng bảo hiểm đang “tận thu” khi tăng mức đóng, mở rộng đối tượng tham gia… nhằm chống mất cân đối thu - chi BHXH, bà Nga cho rằng: “Nói bảo hiểm tận thu cũng không đúng. Trong BHXH, lương hưu là trụ cột của chính sách an sinh xã hội, nhà nước không bao giờ để mất cân đối. Nhưng nhà nước phải có dự báo và chính sách hợp lý để tránh tình trạng sau này phải lấy nguồn khác để bù”.
Theo bà Nga, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH đã được đặt ra, với mục tiêu tới năm 2020 có khoảng 29% dân số, chiếm 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Với việc điều chỉnh mức thu, theo bà Nga, điều này đáng lẽ được thực hiện khi Bộ luật Lao động 2013 có hiệu lực. Tuy nhiên, khi xây dựng Luật BHXH 2014, Quốc hội đã cân nhắc khả năng của doanh nghiệp nên đề ra lộ trình thực hiện từng bước vào năm 2016 và 2018. “Mục đích những thay đổi này để nâng cao cuộc sống của người hưởng chế độ BHXH khi về hưu”, bà Nga nói.
Chuyên gia Trần Văn Tư (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, quy định đóng BHXH với NLĐ đi xuất khẩu để sau này họ về nước có thể tiếp tục tham gia bảo hiểm. Qua đó đảm bảo thời gian đóng bảo hiểm liên tục, sau này về hưu sẽ hưởng quyền lợi tốt hơn. “Đó mới là quy định, còn triển khai thực tế vẫn cả khoảng cách”, ông Tư nói.
Để tránh trường hợp bảo hiểm “chồng” bảo hiểm, theo ông Tư, BHXH với NLĐ xuất khẩu nên xem là khoản tự nguyện. “Cho NLĐ lựa chọn tham gia hoặc không, nếu đóng bảo hiểm trong nước để cho sau này về hưu, còn hiện tại có ốm đau, bệnh tật đã có BHXH nước sở tại lo”, ông Tư nói. Theo ông, Việt Nam cần sớm ký hiệp ước liên thông bảo hiểm với các nước, để NLĐ chỉ cần đóng bảo hiểm ở 1 quốc gia, không phải đóng 2 lần.
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thể đóng BHXH tại nơi đang cư trú (qua người ủy quyền), hoặc thông qua doanh nghiệp lao động đưa đi. “Luật không ép buộc anh phải nộp thế nào, thời điểm đóng ra sao. Người lao động có thể đóng hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng hoặc đóng hằng năm khi có điều kiện. Chính sách này mang tính tự nguyện là chính”, ông Diệp nói. |
Lê Hữu Việt
Theo Tiền phong