Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh việc Chính phủ chưa trình dự Luật Biểu tình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội là việc làm thiếu nghiêm túc
Sáng nay, 17-2, phiên họp thứ 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết Luật Biểu tình đã được giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiến hành nhiều bước, như nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khảo sát tại môt số địa phương và lấy ý kiến các cơ quan liên quan. “Tại phiên họp tháng 1-2016, Chính phủ đã cho ý kiến về dự án luật này và quan điểm về một số nội dung lớn còn rất khác nhau, có nội dung ý kiến là 50/50” - ông Cường cho biết.
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, những nội dung cần tiếp tục chỉnh lý để tạo sự đồng thuận cao hơn được đề cập như thẩm quyền cho đăng ký biểu tình, có cho người nước ngoài tham gia biểu tình hay không, các biện pháp đảm bảo như thế nào… Vì vậy, để có thêm thời nghiên cứu theo đúng mục tiêu, đảm bảo tính khả thi, Chính phủ xin lùi thời gian trình dự án luật từ kỳ họp thứ 11 của QH khoá 13 (tháng 3-2016) đến kỳ họp thứ 2 của QH khoá XIV (cuối năm 2016).
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh dự án Luật Biểu tình lẽ ra phải được trình QH từ kỳ họp thứ 9 nhưng cứ xin lùi mãi. “Đây là dự án luật rất quan trọng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện chương trình của QH để đảm bảo tiến độ chung, cụ thể hoá quy định của Hiến pháp” - ông Lý nhấn mạnh.
Trước vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã hỏi thẳng Bộ trưởng Hà Hùng Cường: “Tại sao cứ lùi mãi dự án Luật Biểu tình?”. “Luật này QH bàn trực tiếp rồi, chương trình xây dựng luật là QH quyết định chứ không phải chỉ UBTVQH quyết định, Bộ Chính trị cũng đã quyết định đưa vào chương trình rồi, nhưng Chính phủ cứ xin lùi mãi. UBTVQH không đồng ý với việc lùi. Chính phủ chưa trình dự luật này ra UBTVQH, chúng tôi đã biết nội dung như thế nào đâu mà bảo là cho lùi? Tôi cho rằng đây là việc làm thiếu nghiêm túc”- Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Giải đáp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường phân trần có việc lùi lại dự Luật Biểu tình nhưng lần này xem xét vẫn có sự phân tán rất lớn trong thành viên Chính phủ về một số vấn đề rất lớn, một số vấn đề khác cũng chưa chín mùi để trình dự án luật. “Ý kiến cá nhân tôi thì việc chuẩn bị đã “hòm hòm” rồi, nên trình dự án luật ra QH, nhưng ý kiến của chúng tôi là thiểu số. Vì thế, Thủ tướng kết luận xin lùi” - ông Cường chia sẻ.
Khẳng định quyền biểu tình là quyền cơ bản của công dân đã được hiến định, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện góp ý: “Xin lùi vô thời hạn của Chính phủ hoàn toàn không có lợi về mặt chính trị. Nên đảm bảo đúng quy định của QH”.
Đồng tình, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh Luật Biểu tình là luật cuối cùng luật hoá quyền của công dân theo Hiến pháp. “Sự cần thiết của luật này là rất quan trọng, tôi biết Bộ Công an cũng khẩn cấp làm ngay luật này để đảm bảo quyền con ngườiquyền công dân trong Hiến pháp, đảm bảo an ninh quốc gia và tăng cường trật tự xã hội. Nếu chúng ta tiếp tục áp dụng Nghị định 38 để hạn chế quyền công dân là trái Hiến pháp”.
Làm rõ thêm, ông Khoa cho biết luật này để đảm bảo quyền con người, quyền công dân, chứ không phải là để đổi mới chính trị. “Có ý kiến nói rằng để khi nào tình hình an ninh trật tự đảm bảo thì mới làm luật này, tôi thấy ý kiến như vậy là không đúng, bởi vì chúng ta làm luật này là để đảm bảo an ninh trật tự” - ông Khoa nhìn nhận.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ trình dự án Luật Biểu tình lên QH theo đúng chương trình đã được quyết định (tháng 3-2016).
Thế Dũng
Theo Người lao động