Sáng 14-3, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã họp để tháo gỡ những vướng mắc về việc triển khai thi hành Luật BHXH và Luật An toàn - Vệ sinh lao động. Hơn 2 tháng kể từ khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, do chậm ban hành các văn bản hướng dẫn nên quyền lợi của người lao động(NLĐ) đã bị ảnh hưởng. “NLĐ từng ngày, từng giờ trông chờ các văn bản hướng dẫn; trong khi đó, các cơ quan nhà nước nếu không có luật, không có hướng dẫn thì không ai dại gì mà làm” - ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nêu thực tế.
Luật chờ nghị định
Luật BHXH có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 song theo ông Điều Bá Được, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), một số nghị định dự kiến ban hành trong tháng 9 và 10-2015 vẫn chưa ra đời. Đó là Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộcđối với quân nhân, công an nhân dân và người công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an; Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật BHXH về bảo hiểm hưu trí bổ sung; Nghị định về thanh tra BHXH.
Người lao động làm thủ tục tại cơ quan BHXH TP HCM ẢNH: HOÀNG TRIỀU
Cùng với đó, nhiều nội dung Luật BHXH giao Bộ Y tế ban hành đến nay vẫn chưa có, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tham gia BHXH. Đơn cử như: quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH; giấy ra viện, hồ sơ, quy trình khám giám định khả năng lao động; danh mục bệnh nguy hiểm khác liên quan đến tính mạng; danh mục chất ma túy, tiền chất ma túy; danh mục nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, đặc biệt nặng nhọc độc hại...
Theo ông Được, mặc dù Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện theo các văn bản hiện hành đến khi có hướng dẫn mới nhưng có những nội dung văn bản trước chưa từng quy định nên cơ quan BHXH không có căn cứ để thực hiện. Chẳng hạn: giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện, giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng của người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con; giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền về việclao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai... Hiện cũng chưa có căn cứ để giải quyết hưởng BHXH một lần đối với những người đang mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng do chưa có danh mục theo quy định của Bộ Y tế.
Phải đẩy mạnh tuyên truyền để NLĐ hiểu
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng công tác tuyên truyền BHXH vẫn chưa tới được trực tiếp NLĐ, do đó có tình trạng NLĐ không hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT để hưởng lương hưu khi về già, không đòi hỏi quyền lợi tham gia BHXH khi ký kết hợp đồng lao động và không “mặn mà” với BHXH so với các loại hình bảo hiểm của các công ty tài chính bảo hiểm khác. Theo ông Chính, cần đẩy mạnh và hướng đến NLĐ thông qua các hình thức tờ rơi, tờ gấp hoặc tăng cường tổ chức đối thoại với NLĐ để kịp thời giải đáp những băn khoăn của họ.
Ông Chính cũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu tham mưu việc thực hiện khoản 7, điều 10 Luật BHXH về việc trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý doanh nghiệp (DN) nợ BHXH kéo dài hoặc có chủ bỏ trốn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ. “Thực tế thời gian qua có tình trạng một số DN “bán chui” các nhà xưởng và tài sản cho người khác để trốn nợ BHXH. DN cũ biến mất, còn DN mới thì chối bỏ trách nhiệm về những khoản nợ BHXH hàng chục tỉ đồng khiến NLĐ trở thành “con tin” giữa cơ quan BHXH với DN” - ông Chính nhấn mạnh.
Không được gây khó cho NLĐ Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Luật BHXH và Luật An toàn - Vệ sinh lao động là chính sách liên quan đến an sinh xã hội, các vướng mắc liên quan đến quyền con người nên các bộ, ngành cần khẩn trương hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện. Ông Lợi đề nghị Bộ Y tế phải xác định rõ lộ trình thực hiện các nội dung luật được giao để ủy ban tiếp tục giám sát. Về phía cơ quan BHXH, không được phát sinh các thủ tục gây khó khăn cho NLĐ. BHXH phải trở thành cơ quan dịch vụ công để thu hút đối tượng tham gia. |
Ngọc Duy
Theo Người Lao động