05/11/2011 16:57 PM

Bản Mường Liên Sơn những ngày qua đã chứng kiến một cuộc đại tang chưa từng có – làng cùng lúc có 4 đám tang. Ngày đau thương tang tóc ập đến bất ngờ khiến bản nghèo thấm đẫm nước mắt và những tiếng kêu than xé lòng của những người mẹ trẻ khóc thương con, những người bà khóc cháu...



Vụ tai nạn lao động kinh hoàng xảy ra tại thôn Mỹ Quang, xã Thăng Long, huyện Nông Cống chiều ngày 1/11 đã cướp đi sinh mạng 6 thanh niên trẻ. Riêng huyện miền núi Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đã mất 5 người, trong đó có 4 người cùng thôn Liên Sơn và dòng họ Trương Công có tới 3 người bị thiệt mạng… Tất cả họ đều còn rất trẻ, chưa vợ con, gia đình.

Trường mất đi khiến cuộc sống gia đình anh càng thêm quẫn bách

Anh Trương Công Du, người nhà của 3 nạn nhân Trương Công Điệp (sinh 1994), Trương Công Quang (sinh 1991), Trương Công Trường (sinh 1991) và Phạm Hùng Nghị (sinh 1992) nghẹn ngào, cả ba đứa cháu đều là anh em chú bác, nhà ở chung trong một xóm nhỏ ven sườn núi. Chúng đều chỉ mới học hết cấp 2, không có điều kiện học lên, gia cảnh rất nghèo nên phải tự đi tìm kiếm việc làm vừa nuôi sống bản thân và giúp bố mẹ. Đại gia đình chúng tôi cùng lúc phải đội 3 chiếc khăn tang trên đầu, xót xa lắm. Từ hôm qua đến nay họ hàng thay phiên nhau túc trực ở 3 nhà vừa lo việc hậu sự vừa động viên nhau gắng vượt qua nỗi đau.

Sự đau buồn như hằn lên từng nét mặt những người thân của các chàng trai yểu mệnh. Các cụ già trong bản cho hay, đêm qua có lẽ là ngày kinh hoàng nhất đối với bản Mường Liên Sơn. Tiếng gào khóc của những người mẹ trẻ khóc thương con nghe ai oán cả một góc rừng.

Nước mắt những người mẹ trẻ khóc thương con nghe ai oán cả một góc rừng bản khó

“Suốt đêm, cả bản không ngủ. Tất cả người dân trong bản từ người già đến các em nhỏ đã cùng thức trắng để chờ đợi phút đón nhận thi hài những chàng trai bản trở về đất mẹ. Đúng 0h15 phút ngày 2/11, hai xe ô tô chở 4 chiếc quan tài chầm chậm tiến qua cổng làng. Tất cả như chết lặng, rồi những tiếng khóc than xé lòng ai oán đồng thanh vang lên”, một cụ cao niên trong bản kể lại trong giọng nói run run, nghẹn ngào.

Suốt đêm ấy, không ai bảo ai, tất cả bà con trong thôn đã huy động mỗi nhà một bó củi, 1kg gạo, 1 chai rượu để ủng hộ các gia đình nạn nhân có người qua đời.

Đám tang tập thể được tổ chức ngày sau đó. Tiếng trống, tiếng chiêng Mường truyền thống tấu lên độc khúc khô khốc tiễn người ra đi ở các gia đình cùng đồng vọng càng thêm não lòng người ở lại.

Chưa bao giờ người dân bản nghèo Liên Sơn lại phải tiễn đưa nhiều người mất như vậy

Trong căn nhà hai gian dột nát, những người thân của nạn nhân Trương Công Điệp như những cái xác không hồn. Trong vẻ mặt thất thần, anh Trương Công Hiệp (45 tuổi), bố đẻ Điệp tâm sự, từ khi nghe hung tin người con trai duy nhất đã ra đi vĩnh viễn, vợ tôi đã nhiều lần ngất xỉu, chết đi sống lại. Gia đình phải mời bác sĩ về tiêm thuốc trợ lực và túc trực để đề phòng chẳng may vợ tôi không vượt qua được nỗi đau này.

Anh Hiệp kể tiếp, bản Liên Sơn nằm giữa tư bề là núi non, gia đình không có nhiều ruộng nên cuộc sống từ xưa đều rất khó khăn. “Lên lớp 9, Điệp bỏ học đi làm thuê vì nhà quá nghèo. Lần này con tôi theo anh em trong làng đi làm thuê ở Nông Cống. Mới hôm qua, nó còn gọi điện về nhà nói sẽ ứng tiền cho bố mẹ trả nợ nần. Ai ngờ... giờ muốn nghe giọng con mà không được, con ơi!”, người bố xót xa trong nước mắt.

Khuất sau hẻm núi mang tên Mồ Côi là ngôi nhà nhỏ của nạn nhân Trương Công Trường. Gia đình nạn nhân Trương Công Trường được coi là nghèo nhất thôn bởi người bố và em trai bị bệnh thần kinh nhẹ, mẹ bị bệnh tim đã nhiều năm nay nên không ai làm được việc nặng. Trong căn nhà ba gian ẩm thấp mới được nhà nước hỗ trợ, nhiều chỗ đã dột nát không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc giường tre đã mục ruỗng.

Thầy mo người Mường đang "hành tẩu" để "chuẩn bị đường về đất mẹ" cho người xấu số

“Hơn hai sào lúa nước cùng 10 thước đất vườn trồng ngô không đủ mưu sinh nên Trường phải bỏ học khi hết lớp 9, đi làm thuê khắp trong Nam ngoài bắc để kiếm tiền phụ giúp gia đình”. Dù đang ngồi bên linh cữu con trai nhưng chị Trương Thị Rạng (45 tuổi), mẹ nạn nhân Trường vẫn không tin nổi con mình đã ra đi vĩnh viễn.

Oặt người trong những cơn lúc tỉnh, lúc mê bên chiếc quan tài lạnh lẽo, bà mẹ trẻ tâm sự, cách đây vài ngày, Trường có gọi điện bảo về nhà hỏi thăm bố mẹ. “Nó bảo chuyến này nó đi đến tết mới về, nhà chưa có điện sáng nên nó sẽ dành dụm tiền công để kiếm tiền kéo điện cho bố mẹ và em trai ăn Tết. Hơn nửa tháng trước, nó bỏ làm ở Hà Nội đi theo mấy anh em trong họ đi làm công ty. Nó bảo làm công ty lương thấp hơn nhưng ổn định. Trước khi đi, tôi có gàn con trai vì sợ làm điện nguy hiểm, nhưng nó bảo mẹ đừng sợ, có công ty họ lo, người ta làm được thì mình làm được, thế rồi nó khăn gói lên đường”, người mẹ tâm sự trong nước mắt nghẹn ngào.

Cách đó không xa, 3 gia đình và họ hàng các nạn nhân còn lại cũng tổ chức tang lễ cho các nạn nhân xấu số. Chỉ trong một con ngõ nhỏ có tới 3 đám tang. Người đau lòng nhất bản Liên Sơn không ai khác chính là cụ Trương Công Muộn. Hơn 70 tuổi, mắt đã mờ, chân đã chậm nay phải chống gậy, lần lượt đến tiễn đưa cả 3 người cháu nội về nơi chín suối. Cụ ông tuổi thất thập nghẹn ngào, “Không có nỗi đau nào bằng! Không ngờ kẻ đầu bạc nay lại phải tiễn đưa kẻ đầu xanh”.

Theo chính quyền xã Cẩm Liên cho biết, cả 4 gia đình nạn nhân ở bản Liên Sơn đều là hộ nghèo, có hoàn cảnh rất khó khăn.

Nhằm sẻ chia những đau buồn với các gia đình nạn nhân, UBND tỉnh Thanh Hóa, các huyện Nông Cống, Cẩm Thuỷ và nhiều tổ chức chính trị, xã hội tại Thanh Hóa đã đến các gia đình thăm hỏi, hỗ trợ một phần kinh phí cho việc mai táng. Đến nay, mỗi gia đình nạn nhân đã nhận được 17,5 triệu đồng hỗ trợ ban đầu.
 



Theo Hoàng Sơn - Cao Nguyên
VnMedia

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,736

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]