Nỗ lực giải cứu cháu bé bị bê tông đè vào người trong vụ nổ khí gas ở phường Bách Khoa (Hà Nội). |
Vụ nổ đã xảy ra ngay lập tức làm sập nhà và hai đứa trẻ thiệt mạng trong giấc ngủ, còn người mẹ thì liên tục kêu khóc: “Tôi đã giết con tôi rồi”. Sự việc này cho thấy, không chỉ trẻ em mà ngay những người làm cha làm mẹ cũng đang thiếu nghiêm trọng rất nhiều kỹ năng, trong đó có kỹ năng thoát hiểm để sống còn.
Cháy nhà, chui vào tủ... trốn
Chắc chưa mấy ai quên cái chết thương tâm của hai mẹ con chị Vương Lan P. (34 tuổi) và con trai Lưu Gia M. (10 tuổi) tại vụ cháy xảy ra tại chung cư 18 tầng tòa nhà JSC 34 đường Lê Văn Lương, Hà Nội vào tháng 3/2010. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của hai mẹ con họ là do ngạt khói trong lúc đứng chờ... thang máy để chạy xuống và không hề biết cách lấy khăn ướt úp lên mũi để thở.
Cũng thiếu những kỹ năng thoát hiểm sơ đẳng như vậy nên trong vụ cháy Trung tâm thương mại ITC tại TP.HCM vào tháng 10/2002, các nhân viên cứu hộ đã phát hiện ra một nữ nhân viên của trung tâm tử vong ở tư thế ngồi trong một chiếc... tủ sắt!
Một hướng đạo sinh chuyên huấn luyện kỹ năng thoát hiểm cho trẻ em cho biết, tại một nhóm lớp, trong một tình huống giả định thoát hiểm ở đám cháy, khi tiếng còi báo động vang lên, cảnh tượng trở nên náo loạn thật sự, các em tham gia huấn luyện chỉ biết duy nhất có một cách là bỏ chạy thục mạng kể cả lao đầu vị trí này đã để một tấm bảng to là “Nguy hiểm”, hoặc chỗ đèn sáng mà trước đó đã quy ước là lửa đang bùng to ở đó. Trong khi đó, ở một hướng khác, có bảng ghi “lối thoát hiểm” thì không ai quan tâm.
Những ví dụ này cho thấy, hiện nay không chỉ trẻ em mà cả người lớn kỹ năng thoát hiểm đang là con số 0 tròn trĩnh. Thế nên mới có những bà mẹ ôm con chịu chết trong vụ đắm tàu du lịch Dìn Ký vừa xảy ra tại Bình Dương tháng 5/2011. Toàn bộ người gặp nạn đều là phụ nữ, con thơ, còn những người biết bơi và bình tĩnh ứng phó đều đã bơi thoát ra ngoài.
Cha mẹ còn xem thường lấy đâu ra con biết
Như đã nói ở trên, hiện nay rất nhiều trẻ em và người lớn Việt Nam “mù” kỹ năng thoát hiểm vì nhiều lý do: Không được hướng dẫn, tập luyện hoặc không quan tâm.Trên các chuyến máy bay, có thể thường xuyên gặp những gia đình mà bố mẹ bản thân cũng không tắt điện thoại hoặc đeo dây an toàn, khi tiếp viên hướng dẫn các kỹ năng thoát hiểm cũng không thèm quan tâm. Và tất nhiên con cái của những gia đình ấy cũng vậy, chúng chỉ thiếu đường biến máy bay thành công viên chạy nhảy.
Trong các vụ động đất xảy ra tại Hà Nội gần đây, rất nhiều các bậc phụ huynh dắt con chạy ra thang máy cho nhanh, trong khi đó lại là một điều tối kỵ khi xảy ra động đất. Tại vụ cháy chung cư 18 tầng tòa nhà JSC 34 đường Lê Văn Lương, HN, nhiều gia đình đã nối chăn màn, quần áo thành dây và buộc con thả xuống vơi suy nghĩ rằng chỉ miễn con sống sót. Họ đâu biết rằng chiếc dây làm bằng quần áo có thể đứt bất cứ lúc nào và họ trong lúc mải “thả dù” con cũng hoàn toàn có thể bị chết ngạt, chết bỏng nếu lửa cháy lan vào nhà.
Thời gian để làm dây và “thả dù” con hoàn toàn có thể dùng để nghĩ ra phương án thoát hiểm hiệu quả hơn như lấy khăn ướt chụp vào mũi để lấy oxy thở hoặc nằm sát xuống sàn nhà để lấy oxy chờ cứu hộ... Nguyên nhân cốt yếu của những hành động hoảng loạn nguy hiểm này là do thiếu bình tĩnh và kinh nghiệm. Còn lý do thiếu thì vì thường ngày không quan tâm. Bằng chứng là tại các buổi tập PCCC tại nhiều chung cư ở Hà Nội như Linh Đàm, Trung Yên, Trung Hòa - Nhân Chính... chỉ có lác đác vài người tham gia dù đã thông báo trước đó nhiều ngày.
Dạy con bình tĩnh, bản thân cha mẹ cũng phải bản lĩnh
Trên diễn dàn trao đổi kinh nghiệm làm cha mẹ, một thành viên cho biết, vì vợ chồng chị biết trong mỗi gia đình đều ẩn chứa những nguy cơ gây nguy hiểm cho con nên khi bé con anh chị bắt đầu đến tuổi chập chững, họ tìm những phương pháp giúp cho bé ứng phó với các tình huống xấu. Họ tập cho con những bài học đơn giản về sơ cứu vết thương, về cách hà hơi thổi ngạt, về cách lấy chăn, mền nhúng nước quấn vào mình khi lỡ có xảy ra hoả hoạn, cách sử dụng điện thoại, kêu to và những lối thoát hiểm nhanh nhất.
Họ cũng không quên chỉ cho con cách nhận biết mùi gas nếu bình gas có bị xì, nếu gas bị rò rỉ con phải mở tất cả cửa, và chạy ra ngoài, không dùng công tắc nẹt lửa. Đặc biệt, vợ chồng chị còn giúp con ghi nhớ hàng ngày bằng cách luôn lặp đi lặp lại những câu hỏi ví dụ như khi bình gas bị xì con phải làm sao, xảy ra cháy con phải làm sao, lỡ bị phỏng phải làm sao...
Một thành viên khác ngoài những kinh nghiệm tương tự còn chia sẻ thêm rằng, cần lưu ý là thái độ của người lớn trước mọi nguy hiểm, rủi ro ảnh hưởng rất nhiều đến sự bình tĩnh của trẻ. Khi gặp nguy hiểm, người lớn không nên gào thét, kêu thất thanh, khiến trẻ không hiểu, luống cuống. Phải bình tĩnh, nói ngắn gọn, chỉ cho trẻ việc cần làm chứ không giải thích vì sao phải làm. Khi trẻ cảm thấy nguy hiểm đã qua, hết hoảng sợ, cha mẹ nên phân tích lại tình huống và cho trẻ nhận xét về hành động của mình. Như vậy, trẻ sẽ rút ra bài học và có kinh nghiệm cho những trường hợp tương tự.
Kinh nghiệm này cũng phù hợp với nhận định của BS Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế TP.HCM) - người đã nhiều lần tham gia vào công tác cấp cứu thảm họa: “Không ít người bị tai nạn tử vong là do yếu tố tâm lý quá sợ hãi, hoảng loạn cũng như không có kỹ năng xử lý tình huống một cách hợp lý. Nhiều nạn nhân cố thoát khỏi hiện trường mà không quan tâm đến sự nguy hiểm. Với từng hình thức thảm họa, sự cố sẽ có những kỹ năng khác nhau...”.
Người dân ca thán về sự bất cẩn của chị vợ trong vụ nổ sập nhà tại Bách Khoa Vụ tai nạn đau lòng này trước hết là do chính chị vợ, người đã thiếu những kiến thức sơ đẳng nhất về an toàn phòng chống cháy nổ khi sử dụng gas. Qua sự việc các cơ quan truyền thông cũng nên góp sức phổ cập những kiến thức cơ bản nhất liên quan đến an toàn tính mạng đến người dân để không còn những vụ việc đáng tiếc xảy ra nữa.(Đăng Khuê ) Nếu như người mẹ tỉnh táo và không dùng bật lửa khi có mùi gas thì hậu quả đau lòng đã không xảy ra , chúng ta vẫn chưa biết phải làm gì cho đúng khi có mối hiểm hoạ xảy ra, chỉ một hành động đơn giản đã cuớp đi một gia đình hạnh phúc, theo tôi người lớn chúng ta phải học cách nhận biết được mối nguy hiểm thay vì hành động cảm tín( Nguyễn Văn Dũng ) |