Chiều 25/4, ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê Xin Chào, đối diện Công an huyện Bình Chánh (TP HCM) vẫn tất bật cùng nhân viên bán nước. Ngoài người thân, bạn bè, khá đông khách lạ tìm đến uống cà phê ủng hộ và chia vui với việc ông được giải oan một ngày trước.
"Tôi mừng lắm, chẳng muốn đòi hỏi gì nhiều. Tôi đang bàn với luật sư của mình để đánh giá vụ việc, sau đó sẽ quyết định đòi quyền lợi cho mình. Trước mắt tôi muốn lấy lại 17 triệu đồng bị buộc phải nộp phạt sai quy định, nó rất lớn với gia đình tôi", ông Tấn nói.
Ông Tấn trong ngày đầu được giải oan. Ảnh: Quốc Thắng
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, theo khoản 3 Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 (Luật TNBTNN), quyết định đình chỉ vụ ông Tấn của VKSND huyện Bình Chánh là văn bản có giá trị pháp lý khẳng định ông Tấn bị xử lý hình sự oan. Đây là cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động tố tụng hình sự, mà cụ thể theo Điều 31 Luật TNBTNN là VKSND huyện Bình Chánh .
Do đó, ông Tấn có thể làm đơn gửi đến VKSND huyện Bình Chánh yêu cầu được bồi thường với hai nội dung: Yêu cầu bồi thường thiệt hại do tổn thất tinh thần (Mức thiệt hại do tổn thất tinh thần được xác định là một ngày lương tối thiểu cho một ngày bị khởi tố) và thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút.
Điều 18 Luật TNBTNN quy định, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của ông Tấn, VKS có trách nhiệm xác minh thiệt hại. Sau đó phải mời ông Tấn lên để thương lượng về việc bồi thường (có thể diễn ra nhiều lần và ông Tấn có quyền nhờ luật sư hỗ trợ tại các buổi thương lượng).
Nếu hai bên không thống nhất về số tiền bồi thường thì ông Tấn có quyền khởi kiện ra TAND huyện Bình Chánh. Bản án có hiệu lực pháp luật có giá trị cưỡng chế và cơ quan chịu trách nhiệm thi hành bản án này là Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Bình Chánh.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 51 Luật TNBTNN, ông Tấn còn được quyền yêu cầu VKS huyện Bình Chánh khôi phục lại danh dự cho mình. Trong thời hạn 30 ngày, VKS phải thực hiện: trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của ông Tấn có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương, đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp theo yêu cầu của người bị thiệt hại.
Quán cà phê Xin Chào nằm trước trụ sở Công an huyện Bình Chánh. Ảnh: Quốc Thắng
Còn luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, số tiền bồi thường thiệt hại về vật chất là thu nhập thực tế của ông Tấn bị mất hoặc bị giảm sút - tức là do bị khởi tố nên quán cà phê không có khách dẫn đến thất thu - và phải cung cấp chứng từ hoặc tài liệu có liên quan.
"Theo tôi, giữa ông Tấn và cơ quan chức năng là VKS Bình Chánh nên chủ động thương lượng để có kết quả thoả đáng, phù hợp với nội dung diễn biến vụ việc. Vụ án này được sự quan tâm của cả nước, cần kết thúc trong thời gian ngắn để đảm bảo quyền và nghĩa vụ các bên không kéo dài thêm qui trình tố tụng", ông Mạch nói.
Ngày 18/8/2015, ông Tấn bị Công an huyện Bình Chánh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi Kinh doanh buôn bán cà phê giải khát, ăn sáng... khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Gần tháng sau, Công an huyện cho rằng ông tiếp tục kinh doanh trái phép "khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm" nên khởi tố về hành vi Kinh doanh trái phép.
Ngày 19/4, khi vụ án sắp được đưa ra xét xử, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, sau đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo UBND TP HCM kiểm tra việc xử lý hình sự ông Tấn.
Thời điểm đó, Công an TP HCM xác định xử lý hình sự ông Tấn là "có căn cứ nhưng nóng vội". Còn TAND huyện Bình Chánh trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Chủ quán cà phê Xin Chào bị truy tố vì chưa có giấy phép dấy lên quan ngại về môi trường kinh doanh của Việt Nam, vốn được cho có nhiều cản trở. Việc xử lý vụ án diễn ra trong bối cảnh tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuẩn bị tiếp xúc giới doanh nhân Việt Nam, tại TP HCM.
Quốc Thắng
Theo Vnexpress