Dây dẫn gas và van điều áp sử dụng quá lâu nhưng không được kiểm tra; Dây dẫn gas có dấu hiệu rạn nứt hoặc bị chuột cắn nhưng không phát hiện kịp thời; Các điểm nối giữa van chai gas với van điều áp, van điều áp nối với dây dẫn gas và dây dẫn gas nối vào bếp không được siết chặt và không được kiểm tra độ kín (sau khi lắp đặt bộ bình gas và bếp mới; sau khi thay bình gas; sau khi thay bếp gas; sau khi vệ sinh bếp)...
Bản thân khí gas rò ra không sinh ra vụ nổ, nhưng khi bắt gặp tia lửa điện hoặc có nhiệt độ đủ đạt đến mức gây cháy, hỗn hợp khí gas sẽ bắt cháy, gây nổ mạnh, nguy hiểm cho con người.
Nhưng, theo quy định của những người kinh doanh gas, trường hợp xảy ra rủi ro và khách hàng được nhận bảo hiểm, đơn vị kinh doanh gas phải chịu trách nhiệm là khi vỏ bình gas không có xuất xứ rõ ràng, có dấu hiệu bị mài mòn, cải tạo; Vỏ bình gas quá hạn sử dụng nhưng chưa được kiểm định lại; Thân, đáy, chỏm bình gas bị rỉ sét ăn mòn nhiều dẫn đến có thể bị thủng lỗ kim gây xì hơi gas ra ngoài; Van điều áp, dây dẫn gas không có xuất xứ rõ ràng hoặc dây dẫn gas không thuộc loại chuyên dùng.
Trong trường hợp có vấn đề về dây dẫn gas và van điều áp, với trường hợp vừa thay gas, thì nhân viên thay gas phải kiểm tra van điều áp, còn trong trường hợp do chuột cắn dây,do vệ sinh bếp dẫn đến trục trặc giữa dây dẫn gas và van điều áp thì đây là lỗi ngoài mong muốn.
Theo thông tin chúng tôi có được, trước thời điểm xảy ra vụ nổ khí gas kinh hoàng tại ngôi nhà 2 tầng ở tổ 51 phường Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm bé Trần Ngọc Tâm (14 tuổi) và bé Trần Duy Anh (6 tuổi) bị chết, gia đình này vừa thay bình gas mới.
Theo lời anh Minh đã kể với mẹ đẻ, chị Ngân phát hiện có mùi gas liền thông báo với chồng và vì đi trước, chị với tay bật điện để kiểm tra và khi điện vừa bật cũng là lúc ngọn lửa bùng lên kèm tiếng nổ lớn gây tai họa.
Đến thời điểm này, chị Nguyễn Thị Thu Ngân vẫn đang trong tình hôn mê nên cụ thể sự việc như thế nào vẫn còn là ẩn số. Tuy nhiên, nếu xác định được lỗi của việc dò rỉ khí gas là tại nhà cung cấp gas, gia đình nạn nhân có thể khởi kiện đơn vị cung cấp gas hay không? Trường hợp gia đình đã phát hiện và yêu cầu đơn vị cung cấp gas đến sửa chữa nhưng làm qua loa, vụ việc sẽ được giải quyết thế nào theo các quy định của pháp luật?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Đình Triển, trưởng văn phòng luật sư Vì dân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, có thể kiện hãng gas theo các quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Vì bất cứ ai mua gas cũng đều đồng thời mua bảo hiểm.
“Nếu không có lỗi từ chủ nhà, thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà sản xuất gas, bình gas cũng như người kinh doanh gas. Bởi, việc nổ khí gas đó giống như nổ quả bom, không những ảnh hưởng đến chính gia đình nạn nhân, mà còn ảnh hưởng đến hàng xóm, đặc biệt có thể gây nên cháy. Nếu trong trường hợp vụ nổ này xảy ra ở nhà chung cư, thì mức độ ảnh hưởng của nó bạn thử hình dung xem sẽ như thế nào?”, luật sư Triển nói.
“Cần điều tra lại có thực có việc gia đình đã gọi đến sửa chữa hay không? Nếu đến sửa nhưng chỉ sửa 1 cách qua loa thiếu trách nhiệm thì ngoài việc khởi kiện ở góc độ dân sự theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng còn có thể khởi kiện đơn vị cung cấp gas theo luật Hình sự”, luật sư Triển nhấn mạnh.
Luật sư Triển cũng cho rằng, lâu nay chúng ta không để ý đến trách nhiệm đòi bồi thường thiệt hại, bảo hiểm của đơn vị kinh doanh đối với người tiêu dùng. Chính vì vậy, qua sự việc đau lòng này, cần phải xem xét lại vấn đề đó vì nó liên quan đến tính mạng con người, tài sản và cộng đồng nói chung.
Theo VnMedia