UBTVQH cho ý kiến về trang phục và Chứng minh thư của Thẩm phán Tòa án nhân dân - Ảnh: Đình Nam
Trang phục của Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp, Hội thẩm nhân dân
Điều 1 của Nghị quyết quy định: “Thẩm phán Toà án nhân dân các cấp được cấp trang phục để sử dụng theo niên hạn, gồm có trang phục xét xử; lễ phục với nam giới là bộ comple, nữ giới là bộ áo dài truyền thống; trang phục làm việc hàng ngày gồm trang phục xuân- hè là quần âu, áo sơ mi trắng, trang phục thu- đông là bộ comple, áo sơ mi dài tay và áo khoác chống rét. Thẩm phán còn được cấp: Thắt lưng, giầy da, bít tất, cà vạt, cặp đựng tài liệu và phù hiệu Thẩm phán”.
Quy định này phù hợp với quy định của Điều 75 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 về chế độ, chính sách đối với Thẩm phán.
Quy định bổ sung trang phục xét xử và lễ phục của Thẩm phán là phù hợp với thông lệ quốc tế và tăng tính uy nghiêm của Thẩm phán. Bên cạnh đó, quy định bỏ trang phục không phù hợp như: dép có quai hậu, áo mưa tại điều 1 Nghị quyết số 221/2003/NQ-UBTVQH11.
Quy định Thẩm phán được cấp “phù hiệu Thẩm phán” được dùng để đeo trên trang phục áo phía ngực bên trái khi làm việc để đảm bảo việc phân biệt giữa Thẩm phán các cấp và giữa Thẩm phán với các công chức, viên chức, người lao động khác của Tòa án nhân dân.
Đối với Hội thẩm nhân dân, trang phục theo niên hạn gồm trang phục xuân- hè là quần âu, áo sơ mi trắng; trang phục thu- đông là bộ comple, áo sơ mi dài tay. Ngoài ra, Hội thẩm nhân dân được cấp: thắt lưng, giầy da, bít tất, cà vạt và cặp đựng tài liệu.
Về chi tiết từng loại trang phục, điều 3 của Nghị quyết nêu rõ: “Kiểu dáng, chất liệu, màu sắc của từng loại trang phục tại điều 1 và điều 2 Nghị quyết này do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định.”
Giấy chứng minh Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân
Tại điều 8 của Nghị quyết, Giấy chứng minh Thẩm phán được quy định chiều dài là 95mm, chiều rộng là 62mm. Mặt trước: nền đỏ, trên cùng là dòng chữ màu vàng “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, ở giữa là Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phía dưới Quốc huy là dòng chữ màu vàng “GIẤY CHỨNG MINH THẨM PHÁN”. Mặt sau: nền trắng, có hoa văn chìm màu hồng, có một đường gạch chéo màu đỏ rộng 8mm chạy dọc từ góc dưới bên trái lên góc trên bên phải, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
Giấy chứng minh Hội thẩm nhân dân có chiều dài 95mm, chiều rộng 62mm. Mặt trước: nền đỏ, trên cùng là dòng chữ màu vàng “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, ở giữa là Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và phía dưới Quốc huy là dòng chữ màu vàng “GIẤY CHỨNG MINH HỘI THẨM NHÂN DÂN”. Mặt sau: nền trắng, có hoa văn chìm màu hồng.
Giấy chứng minh Hội thẩm quân nhân có mẫu như Giấy chứng minh Hội thẩm nhân dân, trong đó dòng chữ “GIẤY CHỨNG MINH HỘI THẨM NHÂN DÂN” được thay bằng dòng chữ “GIẤY CHỨNG MINH HỘI THẨM QUÂN NHÂN”.
Trước đây, thẩm quyền cấp, hình thức và nội dung Giấy chứng minh Thẩm phán, Giấy chứng minh Hội thẩm nhân dân được quy định tại các Điều 4,5,6 Nghị quyết số 221/2003/NQ-UBTVQH11. Trong quá trình cấp phát, sử dụng các Giấy chứng minh này về cơ bản chưa bộc lộ những vướng mắc, bất cập. Do vậy, Nghị quyết này kế thừa cơ bản quy định về mẫu Giấy chứng minh Thẩm phán và Giấy chứng minh Hội thẩm nhân dân.
Thực hiện thí điểm trang phục xét xử tại một số Tòa án
Điều 13 của Nghị quyết nêu rõ, đối với trang phục xét xử quy định tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị quyết này, giao Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức thực hiện thí điểm trang phục xét xử là áo choàng dài tay màu đen cho từng ngạch Thẩm phán tại một số Tòa án, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo trước ngày 01 tháng 7 năm 2017 để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Trong thời gian thực hiện thí điểm, Thẩm phán được cấp một lần hai chiếc áo choàng dài tay màu đen. Tại những Tòa án không thực hiện thí điểm, Thẩm phán sử dụng trang phục xét xử theo quy định hiện hành cho đến khi có quy định mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trang phục xét xử.
Việc ban hành Nghị quyết số 1214/2016/UBTVQH13 về trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân; giấy chứng minh Thẩm phán; giấy chứng minh Hội thẩm góp phần thể hiện rõ ràng hình tượng đặc trưng của cơ quan thực hiện quyền tư pháp; đồng thời giúp nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đề cao tác phong lễ tiết, danh dự nghề nghiệp và trách nhiệm cá nhân; thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân theo yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp hiện nay.
Vân Ngọc
Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội nước CHXHCNVN