Theo dự thảo, việc chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự số100/2015/QH13; các điểm a, b và điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội và hướng dẫn tại khoản 2 Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi thực hiện Tòa án phải căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 367 Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 để ra Quyết định chuyển hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân.
Khi nhận được hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ, Tòa án phải căn cứ vào quy định tại Điều 368 Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 để xem xét, giải quyết việc tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Xóa án tích
Dự thảo đề xuất, khi nhận được yêu cầu cấp giấy chứng nhận đã được xóa án tích đối với trường hợp đương nhiên được xóa án tích thì Tòa án căn cứ vào quy định tại Điều 369 Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 để chuyển yêu cầu cấp giấy chứng nhận đã được xóa án tích cho Sở Tư pháp để giải quyết theo thẩm quyền.
Đối với trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án, khi nhận được đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận xóa án tích của người bị kết án (có nhận xét của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc), Tòa án căn cứ vào quy định tại Điều 369 Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 để để xem xét, giải quyết việc cấp giấy chứng nhận xóa án tích.
Khi thực hiện các quy định có lợi của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đối với người phạm tội là người dưới 18 tuổi, Tòa án phải áp dụng các quy định tại chương XXVIII Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi để giải quyết.
Ngoài ra, kèm theo Nghị quyết, danh mục những quy định có lợi cho người phạm tội trong Bộ luật hình sự năm 2015 gồm 152 nội dung như: Khoản 4 Điều 17 “4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”; Khoản 2 Điều 18 “2. Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.”; Khoản 3 Điều 19 “3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.”…
Khoản 2 và Khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự quy định: 2. Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. 3. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; b) Người đủ 75 tuổi trở lên; c) Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. |
Lưu Thủy
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ