17/11/2011 17:34 PM

Dự thảo luật Phòng, chống tác hại thuốc lá dù đặt ra nhiều quy định để ngăn ngừa, xử phạt các vi phạm về hút thuốc lá gây hại đến sức khỏe cộng đồng song đa số ĐBQH vẫn không thể yên tâm với các giải pháp được cho là “thiếu khả thi”.

Làm sao biết dưới 18 tuổi 

Băn khoăn trước quy định của dự luật về việc người chịu trách nhiệm tại các điểm bán buôn, bán lẻ thuốc lá phải treo biển thông báo “Không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi”; cấm bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, ĐB Trần Văn Bản (Bình Định) đề nghị cân nhắc lại. Việc xác định giấy tờ tùy thân để khẳng định độ tuổi của người mua thuốc lá chưa đủ 18 tuổi là vấn đề phức tạp, khó khả thi, liệu những người bán thuốc lá có thực hiện không, hay chỉ vì bán được thuốc lá mà họ bỏ qua quy định của luật?

 
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng dự luật còn nhiều quy định khó thực hiện - Ảnh: Ngọc Thắng

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) tuy khẳng định việc cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi là “quy định mang tính nhân văn rất cao”, nhưng cũng tương tự các ĐB khác, bà Thúy lo ngại về tính khả thi của quy định này khi cho rằng: trên thực tế việc bán lẻ thuốc lá xuất hiện tràn lan trên các vỉa hè, đường phố và trong điều kiện kinh doanh hiện nay thì lợi nhuận luôn đặt ra trên mục tiêu hàng đầu. ĐB này đề nghị ban soạn thảo cần tính đến tính thực tiễn của luật. 

Để đảm bảo tính khả thi cấm hút thuốc lá tại các điểm công cộng khi dự luật có hiệu lực, ĐB Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) đề nghị: “Quốc hội nên nghiên cứu bổ sung trong luật Xử lý vi phạm hành chính về cơ chế ủy quyền cho một số đơn vị có đủ điều kiện để xử phạt hành vi hút thuốc, có như vậy mới tăng được tính khả thi của quy định cấm hút thuốc lá ở một số nơi công cộng”.

Cũng bàn về quy định khó khả thi này, ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định cơ sở bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép bán thuốc lá, bởi theo bà Anh, “hiện nay các điểm bán lẻ thuốc lá tại Việt Nam chiếm một số lượng rất lớn, có nhiều hình thức kinh doanh riêng và hầu hết không phải đăng ký kinh doanh. Nếu quy định cấp giấy phép thì Nhà nước sẽ không quản lý và thực hiện được”.  

Không thể cấm hoàn toàn

Dự luật quy định các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn cả ở trong nhà và trong khuôn viên, bao gồm: cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở vui chơi, giải trí dành cho trẻ em, cơ sở khu vực có nguy cơ cháy nổ cao. ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng cho rằng quy định này “rất khó thực hiện”. Bởi theo ông Học, các địa điểm này khuôn viên rất rộng, bước vào cổng đã được xác định là khuôn viên, có khi diện tích rộng tới vài chục ha. “Nếu chúng ta cấm hoàn toàn: thứ nhất là khuôn viên rộng khó kiểm soát, thứ hai là chúng ta không có lực lượng kiểm soát, vì trên thực tế, những cơ sở này có nhiều người ra vào, nhiều đối tượng và số lượng người hút thuốc rất đông. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều luật này theo hướng mở là ở những cơ sở này chúng ta hình thành các nhà hút thuốc để những ai đến đây cần hút thuốc thì vào nhà hút thuốc. Còn nếu cấm hoàn toàn như thế thì rất khó thực thi”, ông Học nhấn mạnh.  

Bà Đặng Thị Kim Chi, cũng là ĐB tỉnh Phú Yên, tán thành cao với ý kiến ĐB Học và cho rằng, nếu quy định các điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn như vậy thì những người công tác trong cơ sở này họ gần như là bị cấm hút thuốc hoàn toàn trong thời gian làm việc, như vậy là không thực tế.

Bàn về các địa điểm cấm hút thuốc, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết ông nhận xét ở góc độ là người không hút thuốc và thấy rất băn khoăn về tính khả thi trên thực tế khi dự luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được thông qua. “Trẻ em sẽ phải nói với ông bố nghiện thuốc lá của mình rằng phải dừng hút thuốc lá ở trong nhà?”. ĐB này tiếp tục đặt tình huống: “Là một cán bộ, công chức ở Bộ, liệu rằng tôi có dám đề nghị ông vụ trưởng, ông bộ trưởng hay đề nghị người đứng đầu dừng hút thuốc lá được không? Thực hiện các quyền của mình như theo quy định ở Điều 13 của dự luật quả thực là một điều không tưởng khi người đứng đầu đang hút thuốc lá. Vì vậy, chỉ còn có cách cầu cứu đến lực lượng có quyền xử phạt. Nhưng người có quyền xử phạt lại là người đứng đầu theo quy định của luật này thì còn lực lượng bảo vệ nào dám thực hiện quyền xử phạt khi người vi phạm lại là lãnh đạo của cơ quan đó?”.

Bảo Cầm

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,606

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]