Mặc dù ông Kiều Quang Thăng đã mất từ lâu, tuy nhiên ông Phạm Vũ Tiến - Trưởng phòng Thanh tra 1 vẫn thừa lệnh Chánh thanh tra Hà Nội ký giấy mời người đã chết đến để làm việc.
Ra văn bản “trên trời”, gây phẫn nộ dư luận
Việc làm tắc trách được ông Phạm Vũ Tiến, Trưởng phòng Thanh tra 1 (Thanh tra thành phố Hà Nội) cụ thể hóa bằng giấy mời ông Kiều Quang Thăng, số nhà 7 phố Lê Hồng Phong, quận Hà Đông đến để làm việc. Thế nhưng, ông Kiều Quang Thăng đã mất cách đây hơn 1 năm, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật để chờ đợi sự giải quyết công tâm của UBND thành phố Hà Nội. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, trong cơn tuyệt vọng, ông Thăng vẫn đau đáu nỗi niềm cho vợ và đàn con thơ có một chỗ ở ổn định, vẹn toàn nhưng cũng không thực hiện được.
Thanh tra viên Phạm Minh Đức trong buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Hải Thơm.
Ngay phần đầu buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Hải Thơm - vợ ông Kiều Quang Thăng, mặc dù đã xuất trình giấy chứng tử của ông Kiều Quang Thăng, sổ hộ khẩu gia đình; tuy nhiên, hai cán bộ của Thanh tra thành phố là bà Nguyễn Thị Thắm, Phó Trưởng phòng Thanh tra 1 và Thanh tra viên Phạm Minh Đức vẫn tiếp tục cách hành xử “quan liêu”, thiếu trách nhiệm khi đòi hỏi bà Thơm về giấy ủy quyền do người quá cố để lại, còn buổi làm việc có đúng quy định hay không sẽ báo cáo, xin ý kiến cấp trên giải quyết.
Tại cuộc làm việc với tổ thanh tra, bà Thơm thuật lại toàn bộ nguồn gốc nhà 75 Lê Hồng Phong gia đình đang sinh sống hiện nay do Sở Xây dựng tỉnh Hà Tây tạm giao cho ông Kiều Quang Thăng sử dụng toàn bộ tầng 2 và phần cầu thang ở tầng 1 thuộc căn nhà làm việc của Ban Xây dựng cơ bản cũ theo Quyết định số 185 của Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Tây.
Trong thời gian này, ông Lưu Xuân Minh - người được Ban quản lý khu tập thể tỉnh Hà Tây cũ cho mượn một gian tầng 1 (cùng khu với nhà ông Kiều Quang Thăng) có đơn khiếu kiện gửi UBND tỉnh Hà Tây cũ. Trong quyền hạn và trách nhiệm được giao, Sở Xây dựng Hà Tây ban hành văn bản số 84 trả lời ông Lưu Xuân Minh, đồng thời chỉ rõ nhiều sai phạm của ông này: “Việc ông Lưu Xuân Minh tự động dọn lên tầng 2 ở là sai quy định của pháp luật và quản lý nhà của tỉnh (Không có quyết định của cơ quan quản lý nhà cho phép). Sở Xây dựng yêu cầu ông phải dọn về nơi ở cũ để trả lại Sở Xây dựng quản lý bố trí cho ông Thăng theo quy định”.
Năm 2002, sau khi có văn bản trả lời của Sở Xây dựng Hà Tây, ông Lưu Xuân Minh thấy mình đuối lý, liền “xuống thang” hỏi mượn ông Kiều Quang Thăng căn phòng 7,4m2 trên tầng 2 làm nơi để đồ đạc. Do nể tình là người cùng ngành và khi dọn về ở sẽ là hàng xóm làng giềng, ông Thăng chấp thuận đề nghị của ông Minh.
Sau đó, nhận thấy phần diện tích được ông Minh hỏi mượn xảy ra nhiều việc bất thường, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và trị an khu phố. Từ năm 2007 đến năm 2011, ông Thăng đã rất nhiều lần yêu cầu ông Minh trả lại phần diện tích 7,4m2 trên tầng 2 thuộc quyền sử dụng của ông Thăng nhưng đều bất thành.
Cực chẳng đã, quá bức xúc trước thái độ thách thức, chây ỳ của người hàng xóm, gia đình ông Kiều Quang Thăng và bà Nguyễn Thị Hải Thơm gửi đơn lên UBND phường Nguyễn Trãi đề nghị giải quyết vụ việc. Tiếp đến, khoảng năm 2011, ông Lưu Xuân Minh tự nguyện trả lại phần diện tích đã mượn trên tầng 2.
Qua kiểm tra hiện trạng, ông Thăng và bà Thơm mới hoàn toàn ngã ngửa, bề ngoài là ông Minh mượn căn phòng làm nơi chứa đồ nhưng kỳ thực ông này dùng vào nhiều việc rất “quái đản” như đặt bệ xí ở ban công, che đậy sơ sài, gây ô nhiễm, mất vệ sinh; trong phòng là vài ba tài sản không có giá trị được để lại như mưu toan vào mục đích khác.
Trong khi đó, vì tin tưởng sau khi đòi được căn phòng từ ông Lưu Xuân Minh sẽ chấm dứt tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa hai gia đình. Vậy nhưng, ông Lưu Xuân Minh lại “âm thầm” có đơn khiếu kiện gửi đi nhiều cơ quan chức năng khiến cho cuộc sống của hộ ông Kiều Quang Thăng đã nặng gánh mưu sinh lại gặp thêm muôn vàn khó khăn, trở ngại.
Ngày 07/7/2014, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cử cán bộ đến đo vẽ hiện trạng sử dụng khu nhà 3 tại 75 Lê Hồng Phong, Hà Đông mà các hộ gia đình đang sử dụng. Tuy nhiên, ông Thăng phản ánh tổ làm việc, ông Nguyễn Đắc Thảo - chuyên viên Sở Xây dựng Hà Nội đã có dấu hiệu cố tình ghi sai lệch hồ sơ trong biên bản kiểm tra thực địa. Theo đó, nội dung biên bản ghi nhận căn phòng 7,4 m2 đứng tên ông Lưu Xuân Minh mà không cần xét đến Quyết định tạm giao nhà của Giám đốc Sở Xây dựng giao cho Kiều Quang Thăng sử dụng. “Tôi (Thăng) không nhất trí văn bản này vì phần diện tích tầng 2 đã ghi sai chủ sử dụng thực tế căn phòng 7,4m2 tầng 2, anh Minh đã trả và tôi đã sử dụng từ năm 2011 đến nay bình thường” - Ông Kiều Quang Thăng viết vào cuối văn bản.
Nhưng điều khiến ông Kiều Quang Thăng không thể ngờ rằng, từ những sai lệch trong biên bản kiểm tra hiện trạng kể trên là một loạt hệ lụy mà sau này, cho đến khi xuống “suối vàng” ông vẫn không thể nguôi ngoai vì công lý vẫn chưa tìm về gia đình ông.
Cần truy tới cùng động cơ có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ
Tại văn bản số 5232/SXD-QLN của Sở Xây dựng Hà Nội gửi UBND thành phố Hà Nội ngày 23/7/2014 do Phó Giám đốc sở Nguyễn Quốc Tuấn ký ban hành về việc giải quyết nhà tại số 75 phố Lê Hồng Phong, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội đã vấp phải sự phản ứng dữ dội, quyết liệt từ phía người dân. Dư luận cho rằng, văn bản này chứa đựng rất nhiều nội dung bất nhất so với quyết định tạm giao nhà của Sở Xây dựng Hà Tây, thậm chí có dấu hiệu cố tình thay đổi hiện trạng ngôi nhà, ghi sai đối tượng sử dụng, ghi chênh rất lớn số liệu đo vẽ so tại các phần diện tích trong biên bản kiểm tra thực địa ngày 07/7/2014 của Đoàn công tác liên ngành. Cụ thể, diện tích căn phòng to tầng 2 là 24,2m2, tăng 0,5m2 so với biên bản đo vẽ hiện trạng; diện tích tự tạo tầng 3 là 48,2m2, tăng 8,9m2 so với biên bản đo vẽ hiện trạng; dẫn đến tổng diện tích nhà bị tăng khống lên 9,4m2.
Chưa hết, văn bản của Sở Xây dựng còn cho rằng, căn phòng diện tích 7,4m2 và ban công 2,6m2 là diện tích đang tranh chấp giữa hộ Thăng và ông Minh. Chính điều này trở thành căn nguyên thay đổi vấn đề, biến phần diện tích được Sở Xây dựng tỉnh Hà Tây tạm giao cho ông Kiều Quang Thăng sử dụng đúng mục đích, sinh sống ổn định từ năm 2001 không có tranh chấp thành có tranh chấp. Để rồi từ đây, Sở Xây dựng Hà Nội đứng trên dư luận, phản bác lại quyết định tạm giao cho ông Kiều Quang Thăng của Sở Xây dựng Hà Tây, “khéo léo” xoay chuyển vấn đề báo cáo, đề nghị UBND giải quyết cho hộ ông Lưu Xuân Minh được phép ký hợp đồng thuê nhà ở và sử dụng 2 phòng: Tầng 1 diện tích 11,2m2, tầng 2 diện tích 7,4m2 cộng với ban công tầng 2, diện tích 2,6m2.
Trước những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của Sở Xây dựng Hà Nội và Đoàn công tác liên ngành, khi còn sống, ông Kiều Quang Thăng đã có đơn đề nghị xem xét lại vấn đề nhưng sau một thời gian dài chờ đợi, sự mong mỏi của gia đình ông Thăng không được các cấp chính quyền trả lời, giải quyết. Trái lại, bỏ qua những ồn ào xoay quanh cách làm việc vô cảm của các đơn vị cấp dưới, mặc cho tiếng khóc than của người dân trong vụ việc “lùm xùm”, ông Vũ Hồng Khanh khi đó còn tại nhiệm chức Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố đã ký ban hành Quyết định số 4416/QĐ-UBND ngày 25/8/2014 về việc thu hồi, chuyển đổi công năng sử dụng nhà, đất từ nhà công sở thành nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để ký hợp đồng thuê nhà ở tại số 75 phố Lê Hồng Phong, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội theo hướng có lợi cho ông Lưu Xuân Minh.
Quyết định 4416/QĐ-UBND ngày 25/8/2014 của UBND thành phố Hà Nội do ông Vũ Hồng Khanh ký ban hành.
Sau ngày đón nhận tin “sét đánh” từ quyết định của UBND thành phố Hà Nội, gia đình ông Kiều Quang Thăng và bà Nguyễn Thị Hải Thơm hoàn toàn suy sụp. Tuy thân mang trọng bệnh nhưng ông Thăng vẫn còn niềm tin vào công lý, ông Thăng không ngần ngại gõ cửa nhiều cơ quan lý nhà nước, mòn mỏi đi khiếu nại, kêu cứu khắp nơi nhưng chỉ nhận được sự im lặng đáng sợ của các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành của Hà Nội.
Năm 2015, bệnh của ông Kiều Quang Thăng đột ngột trở xấu rồi qua đời, để lại người vợ và đàn con thơ dại trong căn nhà không vẹn toàn cùng ước nguyện dở dang lúc còn sống đã không thực hiện được.
Quay trở lại buổi làm việc ngày 07/9/2016, giữa Thanh tra Hà Nội với bà Nguyễn Thị Hải Thơm - người vợ quá cố của ông Kiều Quang Thăng, đối với nội dung liên quan đến biên bản kiểm tra hiện trạng ngôi nhà và văn bản số 5232/SXD-QLN có sự sai lệch lớn về số liệu đo đạc diện tích được bà Thơm nêu ra trong cuộc làm việc; tuy nhiên, vấn đề này được bà Nguyễn Thị Thắm và ông Phạm Minh Đức thẳng thừng bác bỏ và cho rằng, tổ thanh tra Hà Nội chỉ có trách nhiệm làm rõ những vấn đề mà UBND thành phố Hà Nội đã giao cho thanh tra và không chấp thuận ghi đề xuất của bà Nguyễn Thị Hải Thơm vào biên bản làm việc.
Biên bản làm việc giữa Thanh tra Hà Nội và bà Nguyễn Thị Hải Thơm được ông Phạm Minh Đức - thanh tra viên ghi lại.
“Chồng tôi mòn mỏi chờ đợi câu trả lời của chính quyền cho đến khi nhắm mắt vẫn không được giải quyết. Kể từ ngày đơn thư khiếu kiện, nay đã được 2 năm, họ mới mời tôi lên làm việc, bắt nói đi nói lại về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất, vấn đề này thì văn bản pháp lý đầy đủ, hồ sơ giấy tờ đã rõ như ban ngày rồi, có gì mà phải trình bày nhiều. Trong khi ý kiến, kiến nghị, đề xuất của gia đình không được ghi vào biên bản, nếu họ muốn tôi nói những điều mà họ muốn nghe, thì họ mời tôi lên đây làm gì. Họ nên thay đổi cách làm việc, cách tiếp xúc với người dân, đúng nói đúng, sai bảo sai, chứ cứ lấp liếm, che đậy sự thật mà ai ai cũng nhận ra, cũng hiểu rõ, thì nực cười lắm”, bà Thơm buồn bã nói.
Câu chuyện căn phòng 7,4m2 dù chỉ là nhỏ nhưng đang là nỗi bức xúc chung của nhiều tầng lớp nhân dân Thủ đô. Để tránh mọi việc chìm xuống, xử lý theo kiểu ậm ờ, lập biên bản, loanh quanh rồi để đấy, đã đến lúc Thường trực Thành ủy, Ban cán sự đảng UBND Hà Nội cần sớm vào cuộc làm rõ phản ánh của người dân, đồng thời chỉ đạo UBND thành phố ban hành kết luận cuối cùng theo đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các sai phạm của các tổ chức, cá nhân cố ý làm sai lệch hồ sơ, thay đổi bản chất sự việc, giữ gìn nghiêm minh kỷ cương, phép nước.
Phúc Khang
Theo Báo Xây dựng