Thông tư 24/2016/TT-BTNMT gồm 3 Chương, 12 Điều quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình liên quan đến việc xác định, công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt và hoạt động trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt thuộc lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Thông tư, nguyên tắc xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt là phải bảm bảo ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nước của công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt và các chức năng khác của nguồn nước; phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, địa chất thuỷ văn, chế độ dòng chảy, đặc điểm nguồn nước, quy mô khai thác, sơ đồ bố trí công trình và các đặc điểm khác liên quan đến việc bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt; đồng thời phù hợp với hiện trạng sử dụng đất và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của khu vực có công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt.
Bên cạnh việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, Thông tư quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các cấp. Cụ thể:
Các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, quản lý, vận hành công trình khai thác nước có trách nhiệm: Xây dựng phương án, khoanh định và thực hiện việc cắm mốc, đặt biển báo vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt thuộc phạm vi công trình của mình; Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình khai thác nước và các cơ quan liên quan trong việc khoanh định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình; Bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, sử dụng và giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình theo quy định. Trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước hoặc có các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý tài nguyên nước ở địa phương để kịp thời xử lý.
Các tổ chức lập quy hoạch của các ngành, địa phương có quy hoạch công trình khai thác nước để cấp cho sinh hoạt thì phải xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt theo quy định của Thông tư này; Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành công trình khai thác nước có trách nhiệm xây dựng vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ nguồn nước trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình do mình quản lý theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban nhân cấp tỉnh trong việc hướng dẫn, xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác sử dụng nước để cấp nước sinh hoạt trên địa bàn; Công bố Danh mục vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Tổng hợp, lập Danh mục vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện việc khoanh định, xây dựng vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; Định kỳ hàng năm báo cáo tình hình thực hiện gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 12.
Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức, cá nhân khai thác nước và các cơ quan liên quan trên địa bàn trong việc khoanh định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt và bảo vệ nguồn nước của công trình.
Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường