Trong khi dó đại biểu Trương Trọng Nghĩa và đại biểu Dương Trung Quốc lại cho rằng cần thiết phải xây dựng Luật biểu tình.
Đại biểu Hoàng Hữu Phước Ảnh: V.D. |
* Đại biểu HOÀNG HỮU PHƯỚC:
Dân trí cao hơn thì mới ban hành Luật biểu tình
- Đã là quyền tự do ghi trong Hiến pháp thì không sớm thì muộn nó cũng sẽ được thể chế hóa. Nhưng vấn đề là ở thời điểm nào thì thích hợp. Tại sao người dân các nước khác họ có quyền đó mà dân mình lại chậm? Lý do là hoàn cảnh của VN khác. Các nước thì có ai chống họ đâu, trong khi VN thì nhiều thế lực thù địch tập trung công kích. Phải biết rằng kẻ thù đang rình rập mình, họ không bỏ qua cơ hội nào.
Bên cạnh đó chúng ta cũng cần biết rằng những nước văn minh như Anh, Mỹ mà tại sao biểu tình vừa rồi cũng xảy ra đốt phá, cướp bóc. Vậy với nước mình thì sao? Cho nên không phải mình triệt bỏ quyền tự do đó của người dân, nhưng quyền tự do đó phải đợi đến lúc dân trí và kinh tế phát triển đến một trình độ nào đó.
- Không. Tất nhiên khi có luật sẽ rất chặt chẽ như phải đăng ký, phải có người đứng đầu, phải tới địa điểm quy định... Nhưng đèn đỏ đèn xanh lập ra giữ gìn trật tự giao thông mà người ta vẫn vi phạm. Vậy khi mình cho phép thì phải đương đầu với sự cho phép đó. Những người phá hoại họ không nằm trong số những người xin phép biểu tình và những người biểu tình, mà họ trà trộn hoặc đứng ở góc đường nào đó để phá hoại.
- Khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình. Vừa rồi có một số cuộc biểu tình diễn ra làm ảnh hưởng đến trật tự giao thông, cản trở hoạt động của người dân nên rất nhiều người bức xúc. Tôi cho rằng phải hỏi xem có bao nhiêu người muốn có Luật biểu tình.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: L.K. |
* Đại biểu TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA:
Nói dân trí thấp là hạ thấp nền dân trí VN
- Không phải ngẫu nhiên mà thế giới người ta thống nhất với nhau về những quyền cơ bản của công dân. Những quyền ấy mang tính đặc trưng trong thể chế dân chủ và nhà nước pháp quyền. Quyền cơ bản được hiến pháp thừa nhận và đó là quyền tối thượng, tùy nhu cầu mà nó phải được triển khai trong cuộc sống.
Tôi thấy với những lý do đại biểu Phước đưa ra như biểu tình làm cản trở giao thông, xâm phạm đến lợi ích của người khác thì cho thấy càng cần thiết phải có Luật biểu tình. Nhiều cơ quan quản lý, trong đó có cả công an, nói rằng có luật này sẽ quản lý hoạt động biểu tình dễ dàng hơn. Khi đã có hành lang pháp lý, ai lợi dụng nó để làm việc xấu thì bị trừng trị.
- Tôi nghĩ rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, VN đã hội nhập với thế giới thì dân trí chúng ta hiện nay là khá cao cho dù kinh tế chưa bằng nhiều nước. Nói dân trí VN thấp để cho rằng chưa nên cho thực thi một số quyền là hạ thấp nền dân trí của VN, không thể lập luận như vậy được.
Còn nói rằng luật ra đời sẽ bị lợi dụng, thì đến Luật doanh nghiệp cũng còn bị lợi dụng, vừa rồi có ông thành lập 37 công ty. Cho nên luật nào cũng vậy, nó đưa ra khuôn khổ và có công cụ để thực thi, nếu ai vượt qua khuôn khổ của luật thì cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ chấn chỉnh.
Còn có người lập luận rằng không được biểu tình chống một nước khác thì lập luận này hoàn toàn sai lầm, vì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của VN, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ của nhân dân thế giới thông qua nhiều cuộc biểu tình chống Mỹ ở hàng chục quốc gia khác.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhìn thấy được vấn đề và sự cần thiết có Luật biểu tình nên ông mới đề nghị Quốc hội xây dựng. Đây là vấn đề được cho còn mới ở VN nhưng kinh nghiệm quốc tế thì không thiếu để chúng ta có thể tham khảo xây dựng luật.
LÊ KIÊN thực hiện
* Đại biểu DƯƠNG TRUNG QUỐC: Đừng biến chúng ta thành ốc đảo dị thường Phải nhìn biểu tình cả hai cách của nó, đó là một quyền cơ bản của người dân, đồng thời đó là một công cụ hành pháp, công cụ lập pháp để thực thi quyền hành pháp. Nếu chúng ta chỉ nhìn một mặt thì chỉ thấy mặt hỗn loạn của nó. Chúng ta biết rằng cho đến bản Hiến pháp năm 1959 thì chữ “biểu tình” đã được đưa vào trong chính văn, ở chương III của Hiến pháp năm 1959 khi bàn về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều 25 khi đề cập đến quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình thì thuật ngữ “biểu tình” đã trở thành một chính văn của luật cơ bản...
Bây giờ chúng ta đang chứng kiến những sự kiện trong quá trình hội nhập thế giới, việc biểu thị, bày tỏ thái độ của người dân là cần thiết, nó có nhiều diễn đạt khác nhau, nhiều hình thức khác nhau. Việc “tụ tập đông người” mà thực chất là biểu tình, ta nói đúng tên của nó. Chính bởi vì không có luật nên mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Tôi không tán thành các đại biểu Quốc hội cứ nhân danh nhân dân. Tại diễn đàn Quốc hội, chúng ta hãy nhân danh cá nhân mình thôi, trừ khi chúng ta có sự ủy nhiệm, hoặc có điều tra định lượng để nói rằng người dân phản đối, người dân băn khoăn trước định lượng đó, nó dẫn đến tiêu cực xã hội. Nhưng người ta rất mong muốn rằng những tình cảm, cách thể hiện đó đúng lúc, đúng chỗ, nói cách khác là có luật. Luật biểu tình là một công cụ để chúng ta điều chỉnh, chúng ta bảo đảm những yếu tố tích cực của nó và chúng ta bảo đảm quyền của người dân. Thóa mạ những người biểu tình như thế, chúng ta đi ngược lại những tuyên bố chính thức của Nhà nước. Đó là những người yêu nước, cách biểu thị của họ không thích hợp trong hoàn cảnh này vì chúng ta chưa có luật. Không phải tự nhiên mà Thủ tướng Chính phủ đã rất chủ động đề cập việc đề nghị đưa vào chương trình luật pháp về biểu tình, càng thấy chúng ta cần phải có Luật biểu tình càng sớm càng tốt. Đương nhiên đây là luật rất nhạy cảm, chúng ta phải có lộ trình thích hợp, thận trọng, nhưng không vì thế mà phủ nhận để biến chúng ta thành một ốc đảo dị thường trong thế giới hiện nay. (Trích ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận sáng 17-11) |