Đây là một trong những điều chỉnh mới nhất của dự thảo luật về hội được công bố tại phiên họp ngày 22.9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp
Cán bộ, công chức được tham gia loại hội nào?
Trả lời câu hỏi của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc về việc theo dự luật, cán bộ, công chức có bị hạn chế trong việc tham gia hội hay không, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo dự luật phân chia có 2 loại hội.
Thứ nhất là hội không đăng ký được quyền thành lập theo quy định của Hiến pháp. Đây là loại hội tự nguyện, tự quản, tự trang trải, tự chịu trách nhiệm, không phải đăng ký với cơ quan Nhà nước như hội đồng hương, đồng ngũ, hội cựu học sinh, đồng ngũ, hay thậm chí là hội thích uống bia....Với những hội này thì không hạn chế cán bộ, công chức tham gia vì đó là quyền tự do của công dân. Loại hội thứ hai là hội đăng ký, theo quy định là có tư cách pháp nhân thì cán bộ, công chức bị hạn chế. Tuy nhiên trong quá trình thảo luận có ý kiến cho rằng cần cấm vì nếu không sẽ làm mất tính độc lập của các hội, mất đi tính khách quan trong hoạt động công vụ của Nhà nước.
Theo ông Định, thực tế hiện nay, Đảng và Nhà nước đang cử cán bộ, thậm chí là cán bộ cấp cao làm lãnh đạo hoặc tham gia điều hành một số hội, thậm chí một số hội có Đảng, đoàn thì do Đảng và Nhà nước cử lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao.
Vì vậy, dự thảo luật quy định đối với hội có đăng ký thì cán bộ, công chức và những người đang làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội, công an chỉ được sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động các hội có đăng ký, khi được cơ quan có thẩm quyền phân công.
Liên quan đến vấn đề về hội không đăng ký, ông Nguyễn Khắc Định cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự luật đã bổ sung có một chương quy định về hội không đăng ký. Theo đó, hội không đăng ký có nghĩa vụ thông báo bằng văn bản với UBND cấp xã nơi có địa chỉ liên lạc về việc thành lập hội, người đại diện theo ủy quyền của các hội viên và khi có sự thay đổi người đại diện hoặc trước khi chấm dứt hoạt động.
Tuy nhiên, Trưởng ban công tác đại biểu Quốc hội Trần Văn Túy bày tỏ băn khoăn về việc thực hiện quy định này khi đưa vào thực tiễn cuộc sống. “Các hội đồng ngũ thì các hội viên là quân nhân nên có thể họ thông báo văn bản tới UBND xã khi thành lập hội, nhưng các hội khác như hội đồng niên, hội chơi chim, cá cảnh ... thì sao?”, ông Túy đặt câu hỏi.
Có quan điểm tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị cần làm rõ loại hội nào phải đăng ký, loại nào không. “Có thể có hội uống bia, hội chơi hoa thì không cần đăng ký nhưng nếu hội uống bia tập hợp đông người để ủng hộ một sự kiện, ủng hộ một vấn đề chính trị thì sao?”, Ông Bình nêu vấn đề.
Nhiều thứ trưởng nghỉ hưu lập hội, xin nhà, xin xe
Phát biểu tại phiên họp Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, thảo luận về dự luật này có nhiều ý kiến đề nghị làm rõ việc cán bộ, công chức tham gia lập hội để tránh “vừa đá bóng vừa thổi còi”, lợi dụng ảnh hưởng trong lĩnh vực mình tham gia phụ trách để mang lại lợi ích cá nhân. Ông Tuấn nêu thực tế nhiều cán bộ, công chức là lãnh đạo khi chuẩn bị nghỉ hưu thì xin thành lập Ban vận động thành lập Hội. Vì lý do này Bộ Nội vụ đề nghị quy định đối với cán bộ, công chức lãnh đạo từ cấp vụ trở lên, sau 5 năm nghỉ hưu mới được tham gia thành lập, sáng lập, ban lãnh đạo của hội.
Chia sẻ thực tế này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, do từng làm Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nên bà biết rất rõ chuyện có nhiều thứ trưởng về hưu là có hội ra đời, rồi xin nhà, xin xe, xin ngân sách, thậm chí xin cả biên chế. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, vừa qua có một số bộ trưởng bày tỏ lo lắng về việc sắp tới có luật, lại có thêm nhiều hội “cứ xin tiền, xin chỗ làm việc, xin xe thì rất mệt”. “Tôi nói cứ yên tâm, luật ra đời thì phải có nguyên tắc hoạt động rất rõ ràng”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Có nên chuyển chức năng quản lý các tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài về Bộ Nội vụ ? Liên quan đến NGO, ông Nguyễn Khắc Định, dự luật chỉ quy định việc quản lý nhà nước đối với các tổ chức này khi họ đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Theo đó các NGO nước ngoài được thành lập theo pháp luật nước ngoài muốn vào hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam là Bộ Nội vụ và hoạt động của các tổ chức này phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, theo đúng nội dung Giấy đăng ký hoạt động đã được cấp. Tuy nhiên, ông Định cho biết theo Nghị định 12/2012/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hoạt động của các NGO nước ngoài tại Việt Nam thì Bộ Ngoại giao là cơ quan đầu mối quản lý hoạt động và cấp đăng ký cho các tổ chức này. Do vậy Chính phủ sẽ phải sửa đổi, bổ sung Nghị định trên. Theo ông Định, quy định giao Bộ Nội vụ thực hiện việc đăng ký hoạt động của các NGO nước ngoài là phù hợp với chủ trương của Đảng là “Một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện”. Tuy nhiên Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lại bày tỏ băn khoăn với quy định này. Theo ông Phúc, Bộ Ngoại giao đang làm khá tốt không chỉ trong việc quản lý mà còn vận động các tổ chức NGO vào Việt Nam và cho rằng trong lĩnh vực này Bộ Ngoại giao làm thì tốt hơn Bộ Nội vụ. Theo ông Phúc việc xây dựng luật được nhìn ở góc độ quản lý các hội Việt Nam, việc giao cho một đầu mối quản lý là đúng nhưng không nên vì thế mà gò ép việc quản lý các NGO về đầu mối Bộ Nội vụ và đề nghị xem xét thêm quy định này. |
Trường Sơn
Theo Thanh niên