21/11/2011 08:32 AM

TT - Trong khi cả bốn vụ bị bắt quả tang “đinh tặc” tại Bình Dương đều bị truy tố hình sự thì ở TP.HCM, hai đối tượng nghi là “đinh tặc” bị bắt giữ mới đây đã được thả vì chưa đủ chứng cứ buộc tội.

>> Thả "đinh tặc" vì chưa đủ chứng cứ

Phạm Văn Hải tại Công an P.Linh Trung, Q.Thủ Đức - Ảnh: Anh Thoa

Ngày 20-11, tin từ Công an Q.Thủ Đức cho hay đã trả tự do cho “đinh tặc” Phạm Văn Hải (28 tuổi, ngụ tại Nga Sơn, Thanh Hóa) vì chưa đủ yếu tố xử lý hình sự.

Thả vì chưa xác định rõ nạn nhân

Hải được trả tự do sau chín ngày bị tạm giữ để điều tra hành vi “hủy hoại tài sản”. Trước đó ngày 10-11, Phạm Văn Hải đã bị bắt quả tang khi đang lắc dép rải đinh xuống đường. Công an Q.Thủ Đức đã khám xét tiệm của Hải và thu thêm một cây kéo, một thanh thép và nhiều vỏ xe, ruột xe hư. Hải cũng khai nhận “đã dùng cây kéo này để cắt đinh hình thoi”.

Thượng tá Nguyễn Hữu Toàn, trưởng Công an Q.Thủ Đức, cho biết cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận buộc phải thả “đinh tặc” Phạm Văn Hải do chưa đủ chứng cứ xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo cơ quan điều tra, trong quá trình tạm giữ Phạm Văn Hải nhiều ngày để phục vụ công tác điều tra, đối tượng này đã thừa nhận hành vi rải đinh. Tuy nhiên, do chưa xác định rõ nạn nhân cụ thể bị cán đinh của Hải, mức độ thiệt hại như thế nào, cùng những tang vật liên quan khác... nên Công an quận không thể gia hạn mãi thời gian tạm giữ và buộc phải thả Hải theo quy định của pháp luật.

Cũng theo thượng tá Toàn, tuy Hải được thả nhưng không có nghĩa là vô tội, Công an quận sẽ trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân quận cùng các cơ quan liên quan để có hướng xử lý hợp lý.

Cũng trong ngày 20-11, ông Nguyễn Thành Nam, bí thư Quận đoàn Q.9, cho biết có nghe thông tin đối tượng Lê Đức Tây (20 tuổi, quê Quảng Trị) được thả tự do. Lê Đức Tây bị chi đoàn dân quân và chi đoàn Công an P.Tân Phú bắt giữ giao Công an Q.9 điều tra xử lý theo thẩm quyền do nghi rải đinh dọc quốc lộ 1A, xa lộ Hà Nội.

Trung tá Trịnh Văn Sâm, đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Q.9, cho biết qua đấu tranh khai thác, Lê Đức Tây đã thừa nhận hành vi cắt đinh đi rải trước cổng khu du lịch Suối Tiên (P.Tân Phú) để hành nghề vá xe lưu động kiếm sống.

Tuy nhiên, do chưa có người bị hại đến trình báo nên những tội liên quan đến hành vi rải đinh như “hủy hoại tài sản”, “cố ý gây thương tích” chưa được củng cố chứng cứ. Công an quận buộc phải giải phóng tạm giữ hành chính đối với Lê Đức Tây, cho gia đình bảo lãnh nhưng phải cam kết đến cơ quan trình diện mỗi ngày.

Hiện Công an Q.9 đang kêu gọi những nạn nhân bị cán đinh, bị thay ruột đắt tiền, bị phá hỏng máy móc xe... tại đoạn đường trước khu du lịch Suối Tiên đến trình báo để cơ quan điều tra củng cố chứng cứ phạm tội của đối tượng này.

Được biết, trước đó Công an Q.Thủ Đức cũng đã thả “đinh tặc” Phùng Anh Tuấn (33 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) sau khi đối tượng này bị Công an P.Bình Thọ theo dõi bắt giữ vào tháng 3-2011, khi mang theo nhiều mảnh đinh hình thoi sắc nhọn. Mặc dù sau đó Tuấn đã thú nhận hành vi dùng những miếng đinh hình thoi để rải trên xa lộ Hà Nội, đường Nguyễn Văn Bá, Đặng Văn Bi (Q.Thủ Đức) để “bẫy” người đi đường nhưng vẫn không đủ chứng cứ để xử lý hình sự.

Bình Dương kiên quyết

Trong khi ở TP.HCM thả “đinh tặc” vì cho rằng không đủ bằng chứng thì ở tỉnh Bình Dương, cũng hành vi tương tự đã có tám đối tượng “đinh tặc” phải lãnh án tù (cao nhất là 30 tháng tù giam và thấp thất là 18 tháng tù giam). Điều đáng chú ý là lời nói sau cùng của các bị can đều cúi đầu nhận tội và chưa có vụ nào kháng cáo.

Sáng 20-11, ông Nguyễn Văn Nam, phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương), cho biết: “Những vụ này chúng tôi làm quyết liệt, bởi đó không chỉ là chuyện cây đinh, chuyện hư cái ruột, hư vỏ xe mà hơn hết đó là sự nguy hiểm đến tính mạng con người, là sự bức xúc rất lớn của dư luận xã hội. Có những vụ chúng tôi chỉ xác định được vài người bị hại (mỗi người chỉ hư một cái ruột trị giá 70.000 đồng) nhưng qua quá trình điều tra, những đối tượng này đã khai việc thu lợi bất chính khi thực hiện hành vi rải đinh, cộng với những vật chứng như kéo cắt đinh, ruột xe hư, thanh sắt dùng để cắt đinh... Đó là cơ sở để truy tố hình sự”.

Ông Nam cho biết thêm: “Chỉ tính trên địa bàn thị xã Thủ Dầu Một đã có ba vụ “đinh tặc” bị truy tố hình sự. Điều đáng nói là sau khi các đối tượng này lần lượt ra tòa, “đinh tặc” trên các cung đường vắng bóng hẳn”.

Nghe tin thả “đinh tặc” Phạm Văn Hải, “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, đội trưởng CLB phòng chống tội phạm Phú Hòa (người tham gia bắt Phạm Văn Hải), bức xúc: “Tôi nghe tin mà ngỡ ngàng. Dân bức xúc, dân khổ sở vì đinh đã nhiều năm nay nên chúng tôi mới mất sức đi mật phục bắt “đinh tặc”. Tất cả bốn vụ “đinh tặc” bị bắt quả tang ở Bình Dương đều xử đến nơi đến chốn. Đó là động lực rất lớn, là sự phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng cùng dẹp bỏ vấn nạn “đinh tặc”, mang lại sự yên tâm cho người dân”.

A.THOA - S.BÌNH - H.LỘC

* Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM):

Vận dụng pháp luật thì khởi tố được

Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương từng xét xử nhiều “đinh tặc” với hành vi tương tự nhưng tại TP.HCM lại chưa thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Cùng một điều luật, cùng một hành vi vi phạm nhưng nơi này thì xử được, còn nơi kia lại thả, điều này rất cần được các cơ quan chức năng xem xét lại.

Theo Bộ luật hình sự, tội cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác tuy có quy định về giá trị thiệt hại trên 2 triệu đồng, nhưng cũng có quy định thòng theo là trường hợp thiệt hại chưa đến 2 triệu đồng nhưng “gây hậu quả nghiêm trọng” thì vẫn có thể xử lý hình sự. Hậu quả nghiêm trọng mà “đinh tặc” gây ra đó chính là việc gây nguy hiểm cho người đi đường, ảnh hưởng đến trật tự trị an xã hội. Cơ quan tố tụng cần vận dụng các quy định này để xử lý hình sự đối với “đinh tặc”.

* Luật sư NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH (Đoàn luật sư TP.HCM):

Cần sửa luật

Việc quy định mức thiệt hại vật chất phải từ 2 triệu đồng trở lên đã khiến nhiều “đinh tặc” thoát bị xử lý hình sự. Trước đây, Bộ luật hình sự năm 1985 có quy định về tội cố ý làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản, trong đó vấn đề định lượng giá trị thiệt hại không đặt ra, tùy theo hậu quả nghiêm trọng mà cơ quan tố tụng vận dụng để truy cứu trách nhiệm hình sự hay xử lý hành chính. Việc sửa đổi luật, quy định cụ thể mức thiệt hại làm căn cứ xử lý hình sự hay hành chính có vẻ rõ ràng hơn trong một số trường hợp, nhưng đối với vi phạm của “đinh tặc” thì quy định này lại gây lúng túng cho cơ quan chức năng.

“Đinh tặc” không chỉ gây thiệt hại cho tài sản mà đã từng là nguyên nhân góp phần cướp đi tính mạng của người đi đường, nên việc xử lý hình sự nghiêm đối với các đối tượng rải đinh thật sự cần thiết. Do đó, cần có sự can thiệp của các cơ quan chuyên môn, các nhà làm luật nghiên cứu để điều chỉnh pháp lý về cấu thành tội phạm và đưa ra hướng giải quyết nhằm tạo sự áp dụng thống nhất pháp luật.

C.MAI ghi

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,821

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]