Đại biểu sẽ tranh luận với bộ trưởng trên nghị trường

19/10/2016 07:35 AM

Tổng thư ký Quốc hội cho biết, ngoài việc đăng ký phát biểu bình thường, kỳ họp tới đây nếu đại biểu nào muốn tranh luận với đại biểu khác hoặc với bộ trưởng, trưởng ngành thì "có thể thiết kế hình thức là giơ biển xin tranh luận".

Ngày 18/10, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 14.

Theo ông Phúc, một trong những điểm mới của kỳ họp lần này là tăng thời gian thảo luận tại tổ và hội trường, phát huy tranh luận trên hội trường. Các bộ trưởng, trưởng ngành khi trình báo cáo, dự án luật sẽ trao đổi với đại biểu để làm sáng tỏ nội dung trình.

“Ngoài việc đăng ký phát biểu bình thường trên màn hình (ấn nút điện tử), nếu đại biểu nào muốn tranh luận với đại biểu khác hoặc với bộ trưởng, trưởng ngành thì có thể thiết kế hình thức là giơ biển, chủ tọa điều hành phiên họp sẽ tạo điều kiện”, ông Phúc nói và cho biết các phiên làm việc buổi chiều có thể được kéo dài thời gian khi cần thiết.

Trả lời câu hỏi về tình hình nợ công, Tổng thư ký Quốc hội nói hiện nợ công khoảng 62,3%, nghĩa là đang ở “dưới trần” 65%, Chính phủ đã cam kết không để vượt trần, “nếu vượt thì trách nhiệm thuộc về cả Chính phủ và Quốc hội”.

Về việc phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Phúc lý giải lần này chưa đưa vào nội dung kỳ họp Quốc hội vì các cơ quan đang chuẩn bị. “Chủ tịch nước chưa gửi văn bản sang, gửi sang thì chúng tôi sẽ xem xét chứ không có vấn đề gì. Việc phê chuẩn Hiệp định này cần chuẩn bị kỹ để đảm bảo thắng lợi”, ông Phúc nói.

Liên quan tới việc tại Hội nghị Trung ương vừa diễn ra đã xem xét dự ánđiện hạt nhân Ninh Thuận, ông Phúc nói tới đây Quốc hội sẽ bàn về dự án này, “khi nào Chính phủ trình sang thì Quốc hội sẽ thảo luận, hiện trong chương trình chưa có nội dung này”.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí. Ảnh: Võ Hải

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 14 làm việc 26 ngày, từ 20/10 đến 23/11, trong đó công tác lập pháp chiếm 63% thời gian kỳ họp. Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, MTTQ Việt Nam..., trong đó có báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường và bài học kinh nghiệm, các giải pháp để bảo vệ môi trường; báo cáo về tình hình biển Đông...

Quốc hội dành một ngày giám sát tối cao về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn.

Võ Thành - Võ Hải

Theo VnExpress

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,439

TPP,

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]