Sát nhân tâm thần
Sáng 8-8-2009, nghi ngờ vợ mình có quan hệ tình ái với hàng xóm, Nguyễn Văn Hùng đã dùng dao chém chết vợ là chị Đinh Thị Cúc (32 tuổi). Sau đó, Hùng tiếp tục sang nhà hàng xóm tìm anh Nguyễn Văn Phúc - công an viên xã Xuân Phúc để chém, nhưng anh Phúc đi vắng. Hùng đang tâm xuống tay giết luôn 2 cháu Nguyễn Hoàng Anh (8 tuổi) và Nguyễn Anh Tú (4 tuổi) là con trai của anh Phúc.
Ngày 21-12-2009, cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa có bản kết luận điều tra vụ việc, theo đó xác định Nguyễn Văn Hùng vì ghen tuông nên đã giết vợ và 2 cháu nhỏ.
Bản kết luận nêu: “Đây là vụ án giết người có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, tuy nhiên bị can Nguyễn Văn Hùng trước, trong và sau khi gây án được chẩn đoán bị tâm thần không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Căn cứ vào Bộ luật Hình sự, CQĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án giết người và quyết định đình chỉ điều tra bị can Nguyễn Văn Hùng, đồng thời đề nghị Viện Kiểm sát tỉnh Thanh Hóa ra quyết định chữa bệnh bắt buộc đối với Nguyễn Văn Hùng theo quy định”...
Đến ngày 20-9-2011, CQĐT Công an tỉnh Thanh Hóa có văn bản gửi UBND xã Xuân Phúc và ông Nguyễn Văn Phúc: “Ngày 27-7-2011, căn cứ vào biên bản giám định sức khỏe tâm thần số 53 ngày 24-7-2011 của Viện Giám định pháp y tâm thần T.Ư: Xét thấy, tình trạng tâm thần của Nguyễn Văn Hùng đã ổn định không cần thiết áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Viện KSND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định đình chỉ thực hiện biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Nguyễn Văn Hùng và yêu cầu cơ quan điều tra tiếp nhận Nguyễn Văn Hùng, đưa về giao cho gia đình và địa phương quản lý”.
Chính quyền từ chối tiếp nhận
Nhận được văn bản trên, ngày 16-10-2011, đại diện Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ, Hội Phụ nữ xã; Hội Nông dân; Ủy ban Chăm sóc gia đình, bà mẹ và trẻ em của xã Xuân Phúc đã có một văn bản gửi các cơ quan chức năng nêu rõ: “Vụ án Nguyễn Văn Hùng mặc dù đã hơn 2 năm nhưng gia đình bị hại chưa một phút nguôi ngoai vì nỗi đau quá lớn, nỗi đau này sẽ mãi mãi không bao giờ quên vì nó hằn sâu trong tâm trí của họ.
Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng trên trước khi bị kết án thì cũng áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 316 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, nếu quyết định của Viện Kiểm sát về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh bị khiếu nại, thì vụ án phải được đưa ra xét xử sơ thẩm ở mức tòa cùng cấp.
Đặc biệt là mỗi người dân xã Xuân Phúc khi nhắc đến vụ án vẫn còn kinh hoàng, điều đó cho thấy sự căm phẫn, hoang mang, bất bình của nhân dân trong, ngoài địa phương xã Xuân Phúc là rất lớn… Nay trả Hùng về địa phương để quản lý giáo dục, cán bộ, nhân dân trong xã hoàn toàn không đồng tình...”.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đăng Xuân - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Phúc, cho biết: Là người sống cùng xóm với Hùng, ông chưa từng thấy anh ta có biểu hiện gì về tâm thần. Không hiểu vì sao cơ quan chức năng lại có kết luận như vậy.
“Ở đây là vùng nông thôn, cả xóm có mấy gia đình đâu mà không rõ. Trước khi gây án, Hùng còn thường xuyên đến nhà tôi chăm bón, tỉa cây cảnh giúp vì Hùng là thợ tỉa và tạo dáng cây cảnh rất giỏi” - ông Xuân nói.
Còn ông Nguyễn Huy Duân - Chủ tịch UBND xã Xuân Phúc, khẳng định: “Hùng là người sinh ra và lớn lên tại địa phương, tôi chưa bao giờ thấy Hùng có biểu hiện của bệnh tâm thần. Tôi khẳng định Hùng hoàn toàn bình thường”. Nhận được tin tên Hùng sắp được thả về, không kìm được xúc động, ông Nguyễn Văn Phúc nghẹn ngào: “Nếu nó (Hùng) về, tôi sẽ giết nó”.
Thực sự, người dân và chính quyền xã Xuân Phúc đang lo ngại rằng: Có thể sẽ có những sự việc nghiêm trọng hơn khi “sát nhân tâm thần” trở về làng.