22/11/2011 11:41 AM

(ĐVO) Một số ĐBQH cho rằng, nếu xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp sẽ dẫn tới tình trạng đương sự chạy tìm kết luận giám định theo ý của mình, “sẽ không khác gì mua bán công lý”.

>> Có nên xã hội hóa Tổ chức giám định tư pháp?

Sáng 21/11, Quốc hội thảo luận về về dự án Luật Giám định tư pháp. Nhiều đại biểu băn khoăn trước các vấn đề: Nên bỏ hay giữ bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh hay xã hội hóa giám định tư pháp như thế nào?

Về việc giữ hay bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh hay không, đa số ý kiến đại biểu nghiêng về việc nên giữ bộ phận giám định pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh. Lập luận của nhiều đại biểu cho thấy: thực tiễn hoạt động giám định pháp y của đội ngũ giám định viên pháp y thuộc Công an cấp tỉnh đang phát huy hiệu quả, không có vướng mắc về quản lý nhà nước cũng như tổ chức việc giám định; phục vụ kịp thời cho quá trình tiến hành tố tụng, nhất là đối với các vụ án phức tạp, nghiêm trọng. Những năm qua, lực lượng pháp y trong công an không để xảy ra sai phạm, vướng mắc cho ngành y tế, nếu bỏ sẽ dẫn đến thiếu hụt lực lượng chuyên môn, gây nhiều khó khăn. Nhiều đại biểu cũng đề nghị nên giữ quy định về tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y như hiện hành.

ĐBQH Hồ Trọng Ngũ: "Để đương sự chạy tìm kết luận giám định theo ý của mình thì sẽ không khác gì mua bán công lý”.


Về việc xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn với dự thảo quy định cho phép các giám định viên tư pháp có đủ điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp ở tất cả các lĩnh vực để thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và yêu cầu của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Đa số ý kiến cho rằng việc thành lập tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập là loại hình dịch vụ mới, cần có lộ trình phù hợp. Nhiều đại biểu đánh giá thực tế Nhà nước đầu tư cho giám định chưa đáng kể nên hoạt động giám định còn nhiều hạn chế, chưa đạt hiệu quả mong muốn, vì thế số án tồn nhiều, xử lý kéo dài, do vậy phải tính đến bài toán xử lý đầu tư tốt hơn.

Một số đại biểu không đồng tình với việc xã hội hóa hoạt động giám định pháp y bao gồm cả việc giao cho đương sự được trưng cầu giám định, đặc biệt là đối với các vụ án hình sự, những vấn đề liên quan đến hành chính và kể cả một số vấn đề liên quan đến dân sự. Các đại biểu này cho rằng, nếu tính xã hội hóa cho đương sự trưng cầu giám định là lợi bất cập hại, Nhà nước được lợi bao nhiêu, giảm chi ngân sách bao nhiêu thì chưa biết, nhưng cái có thể nhìn thấy là tình hình lộn xộn, phức tạp trong xã hội chắc chắn sẽ diễn ra. “Cứ hình dung có rất nhiều kết luận giám định khác nhau thì riêng việc xử lý phức tạp giữa các tổ chức đã là rất khó khăn. Ngoài ra, để đương sự chạy tìm kết luận giám định theo ý của mình thì sẽ không khác gì mua bán công lý” – đại biểu Hồ Trọng Ngũ phát biểu.

Hoàng Cường

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,321

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]