1. 03 trường hợp không phải nộp lệ phí cấp thẻ căn cước công dân
Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 331/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 256/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân.
Theo đó, 03 trường hợp không phải nộp lệ phí cấp thẻ căn cước công dân bao gồm:
- Cấp thẻ căn cước công dân lần đầu đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên;
- Đổi thẻ căn cước công dân khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi;
- Đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân.
Ngoài ra, Thông tư này cũng sửa đổi quy định người nộp lệ phí là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ thay vì từ đủ 16 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp mới, đổi, cấp lại thẻ như trước đây.
Thông tư 331/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/02/2017 và được áp dụng đối với các hồ sơ đã nộp cho cơ quan có thẩm quyền từ ngày 01/01/2017.
2. Bồi dưỡng cao nhất 150.000 đồng/ngày/người khi tiếp công dân
Ngày 14/12/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 320/2016/TT-BTC quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Theo đó, chế độ bồi dưỡng đối với người làm nghĩa vụ tiếp công dân như sau:
- Với các đối tượng được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 21 Nghị định 64/2014/NĐ-CP khi làm nhiệm vụ tiếp công dân ở trụ sở hoặc địa điểm tiếp công dân:
+ Nếu chưa hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì bồi dưỡng 100.000 đồng/ngày/người;
+ Nếu đang hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thì bồi dưỡng 80.000 đồng/ngày/người.
- Với cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền giao hoặc phân công làm nhiệm vụ tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương thì:
+ Bồi dưỡng 150.000 đồng/ngày/người; trường hợp đang hưởng chế độ phụ cấp theo nghề được bồi dưỡng 120.000 đồng/ngày/người.
- Các đối tượng quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 21 Nghị định 64/2014/NĐ-CP được bồi dưỡng 50.000 đồng/ngày/người.
Thông tư 320/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/02/2017, áp dụng cho năm ngân sách 2017; Thông tư liên tịch 46/2012/TTLT/BTC-TTCP hết hiệu lực từ ngày Thông tư 320 có hiệu lực.
3. Điều kiện thi thăng hạng của viên chức chuyên ngành y tế 2017
Nội dung này được quy định tại Thông tư 44/2016/TT-BYT sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 9 Thông tư liên tịch 56/2015/TTLT-BYT-BNV về tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung thi thăng hạng chức danh viên chức chuyên ngành y tế.
Theo đó, viên chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ bác sĩ y học dự phòng (BSYHDP) hạng III lên BSYHDP chính hạng II và từ BSYHDP chính lên BSYHDP cao cấp hạng I năm 2017 phải:
Có thời gian 02 năm gần nhất làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng thay cho 02 năm gần nhất giữ chức danh BSYHDP hạng III, BSYHDP chính hạng II.
Ngoài ra, viên chức chuyên ngành y tế tham dự thi thăng hạng năm 2017 chưa phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi nhưng:
Để đảm bảo đủ tiêu chuẩn, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý phải cử viên chức đã tham dự kỳ thi thăng hạng tham dự khóa đào tạo, bồi dưỡng trong vòng 12 tháng kể từ ngày Bộ y tế ban hành chương trình.
Thông tư 44/2016/TT-BYT có hiệu lực từ 01/02/2017.
4. 02 trường hợp miễn tập sự đối với viên chức chuyên ngành y tế
Từ ngày 01/02/2017, Thông tư 43/2016/TT-BYT quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế sẽ có hiệu lực.
Theo đó, người trúng tuyển viên chức chuyên ngành y tế sẽ được miễn thực hiện chế độ tập sự khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đã có thời gian từ đủ 12 tháng trở lên làm chuyên môn y tế trong các cơ sở y tế phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng;
- Đã được cấp chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng và đã có thời gian thực hành từ 12 tháng trở lên để được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Ngoài ra, Thông tư 43 cũng quy định về thời gian tập sự cụ thể với từng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế (gồm: bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y tế công cộng, y sĩ, dược, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng, dân số).
5. Cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài từ ngày 01/02/2017
Đây là quy định tại Nghị quyết 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.
Theo đó, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được cấp thị thực điện tử nếu:
- Có hộ chiếu và không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh.
- Là công dân của nước có đủ các điều kiện sau:
+ Có quan hệ ngoại giao với Việt Nam;
+ Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ;
+ Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Người đề nghị cấp thị thực điện tử phải nộp phí cấp thị thực qua tài khoản ngân hàng và không được hoàn trả trong trường hợp không được cấp.
Thị thực có giá trị nhập cảnh một lần và thời hạn là không quá 30 ngày.
Danh sách các nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập, xuất cảnh bằng thị thực điện tử do Chính phủ công bố.
6. Phạt đến 10 triệu đồng nếu chở hàng hóa không che chắn
Đây là mức phạt mới tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo đó, tăng mạnh mức tiền phạt đối với hành vi vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, cụ thể:
- Phạt tiền từ 7 triệu đến 10 triệu đối với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.
- Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đối với hành vi không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trường.
7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban thanh tra nhân dân cấp xã
Nghị định 159/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được ban hành ngày 29/11/2016.
Theo đó, Trưởng Ban thanh tra nhân dân (Ban TTND) xã, phường, thị trấn có được giao các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
- Triệu tập, chủ trì các cuộc họp, hội nghị; chủ trì các cuộc giám sát, xác minh thuộc thẩm quyền của Ban TTND.
- Phân công nhiệm vụ cho thành viên Ban TTND.
- Đại diện cho Ban TTND trong mối quan hệ với Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, Chủ tịch UBND, Thường trực HĐND cùng cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan;
- Được mời tham dự các cuộc họp của HĐND, UBND xã, phường, thị trấn có nội dung liên quan đến nhiệm vụ giám sát, xác minh của Ban TTND;
- Tham dự các cuộc họp của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn có nội dung có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Ban TTND.
8. Tiêu chuẩn báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở
Theo Quyết định 52/2016/QĐ-TTg về Quy chế hoạt động thông tin cơ sở; báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng vững vàng, có tín nhiệm trong công tác; không trong thời gian thi hành hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên.
- Có khả năng truyền đạt; sử dụng thông thạo ngôn ngữ nói bằng tiếng Việt hoặc tiếng các dân tộc thiểu số tại địa phương.
- Nắm vững lĩnh vực chuyên môn mà báo cáo viên, tuyên truyền viên thông tin cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền miệng.
- Có thời gian hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn mà báo cáo viên, tuyên truyền viên thông tin cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền miệng ít nhất 3 năm liên tục.
Ngoài các điều kiện trên, cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể tiêu chuẩn của báo cáo viên, tuyên truyền viên cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thông tin tuyên truyền.
Thanh Hữu