Sửa luật để “trị” tội xâm phạm tình dục trẻ em

26/03/2017 10:35 AM

Để "trị" loại tội phạm này một cách hiệu quả, các cơ quan tố tụng sớm có những thay đổi, điều chỉnh trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cũng như sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cho phù hợp.

Vừa qua, dư luận xã hội bức xúc về một số vụ án xâm phạm tình dục trẻ em mà báo chí đăng tải. Phải nói rằng các quy định về bảo vệ các em khỏi bị xâm phạm tình dục của Nhà nước ta tương đối đầy đủ.

Công ước quốc tế về quyền của trẻ em, mà nước ta tham gia rất sớm; Luật chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật hình sự đều có những quy định xử lý rất nghiêm khắc đối với người có hành vi xâm phạm tình dục trẻ em.

Các tòa án ở các địa phương cũng đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi xâm phạm tình dục trẻ em.

Thế nhưng tình trạng xâm phạm tình dục đối với trẻ em vẫn không giảm, mà ngày càng nghiêm trọng, phức tạp hơn.

Để đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này một cách hiệu quả, các cơ quan tố tụng sớm có những thay đổi, điều chỉnh trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cũng như sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cho phù hợp.

Khi điều tra về hành vi xâm phạm tình dục trẻ em, cơ quan điều tra cần có biện pháp bảo vệ bí mật cho các em. Tòa án tuyệt đối không được triệu tập các em là người bị hại đến phiên tòa dù đó là phiên tòa xử kín (trừ trường hợp không thể không triệu tập).

Các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương như Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao cần ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước khởi tố, truy tố, xét xử kịp thời các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em với mức hình phạt thật nghiêm khắc và tuyệt đối không cho bị cáo được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ.

Cần nghiên cứu và đề xuất với Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan đến hành vi xâm phạm tình dục của trẻ em. Có thể học tập kinh nghiệm của một số nước sử dụng hình thức (hình phạt) “thiến hóa học” đối với người xâm phạm tình dục trẻ em.

Xử lý nghiêm, không bao che những đơn vị, cá nhân trong các cơ quan tiến hành tố tụng không thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc xử lý các vụ xâm phạm tình dục trẻ em.

Nếu vụ án đã quá rõ ràng nhưng cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng cố tình không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội thì nhất thiết phải kỷ luật nghiêm, nếu cần thì truy tố một vài vụ để làm gương.

ĐINH VĂN QUẾ (nguyên chánh tòa hình sự TAND tối cao)

Theo Tuổi trẻ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,369

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]